Quần thể Di tích Đền Sóc - Chùa Non Nước

Chùa Non hay còn gọi là chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự. Chùa nằm trong Quần thể di tích Đền Sóc thuộc địa phận làng Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.

Chùa Non nằm trong Quần thể di tích Đền Sóc thuộc địa phận làng Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội. Chùa tọa lạc hướng Nam trên sườn núi ở phía Tây Bắc khu đền Sóc, nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung trên độ cao 110m so với mặt biển, tựa như người ngồi trên chiếc ngai hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh và những xóm làng trù phú.

Chùa Non hay còn gọi là chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự. Về niên đại xây dựng chưa được xác định rõ, nhưng căn cứ vào truyền tụng và một số thư tịch như Thiền Uyển Tập Anh, Đại Việt sử ký toàn thư thì bậc cao tăng đầu tiên trụ trì ngôi chùa này là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933-1011), vị Quốc sư đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam được các triều đình nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý kính trọng.

Chùa Non Nước - Quần thể di tích đền Sóc. Ảnh: st

Chùa Non Nước - Quần thể di tích đền Sóc. Ảnh: st

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, ngôi chùa bị xuống cấp, rồi bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chỉ còn sót lại chút dầu tích ít ỏi. Năm 2000, ngôi chùa được xây dựng lại trên sườn núi Non, phía Nam núi Nhà Bia với quy mô kiến trúc khá bề thế, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ "Đinh", gồm: 7 gian, 2 dĩ.

Tam quan kiểu trụ biểu tọa lạc lưng chừng núi, tiếp đó là Tiền Đường gồm 05 gian xây kiểu mái chồng diềm hai tầng tám mái, lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải trang trí hàng hoa chanh chạy suốt, các góc đao uốn cong, phần cổ diềm trang trí hình chấn song con tiện. Phía trước mở bấy bộ cửa ra vào kiểu thượng song hạ bản. Bộ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ, các con rường kê trên các đầu vuông thót đáy, mỏng thấp.

Tượng Phật bằng đồng tại chùa Non Nước. Ảnh: st

Tượng Phật bằng đồng tại chùa Non Nước. Ảnh: st

Thượng Điện gồm 04 gian, xây chạy dọc về phía sau, kiểu tường hồi bít đốc nối với tòa Tiền đường tạo thành hình chữ đinh, bờ nóc trang trí hoa chanh chạy suốt, mặt bằng bốn hàng chân; các bộ vì đỡ mái kiểu giá chiêng chồng rường. Tại đây có tới 80 cột lim khiến chùa Non là ngôi chùa có số cột gỗ lim trong chính điện nhiều nhất Việt Nam.

Vào thời gian ngôi chùa được phục dựng, năm 2000 một pho tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng lớn nhất nước ta lúc bấy giờ được đúc. Đây là pho tượng đúc liền khối nặng 30 tấn, cao hơn 8m (kể cả bệ đá), được đánh giá là kiệt tác lớn nhất trong tất cả các pho tượng Phật liền khối ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài các cấu trúc chính, chùa Non còn nhiều công trình phụ trợ khác và việc tôn tạo, mở rộng đã đưa chùa trở thành một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội.

Chùa Non Nước. Ảnh: st

Chùa Non Nước. Ảnh: st

Chùa Non tuy được xây dựng lại bề thế nhưng vẫn mang dáng nét cố kính, ngôi chùa này cùng với quần thể khu di tích đền Sóc, Học viện Phật giáo, tượng đài Thánh Gióng đã tạo nên cảnh quan kiên trúc văn hóa tâm linh đặc sắc trong cảnh vật hữu tình, hùng vĩ của núi non trùng điệp và hồ nước xanh trong. Phật tử đến nơi đây, bao mệt mỏi, muộn phiền của cuộc sống đời thường bỗng chốc như tan biến; tâm hồn như hòa vào chốn tiên cảnh và đắm mình trong tiếng chuông chùa ngân vang, trầm lắng chốn Phật môn.

Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt - NXB Thông tinh và Truyền thông (T.250)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-the-di-tich-den-soc-chua-non-nuoc.html