Quân và dân Hòa Bình tự hào góp sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ

Những ngày tháng 5 lịch sử, cùng với cả nước, quân và dân trong tỉnh cùng hướng về kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một trong những đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo cơ sở, điều kiện để Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, kiên cường cách mạng, tuổi trẻ Hòa Bình sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, kiên cường cách mạng, tuổi trẻ Hòa Bình sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quân và dân trong tỉnh tự hào nhớ về những kỷ niệm sâu sắc đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Đó là những ngày tháng bền bỉ, kiên trì cùng bộ đội chủ lực vũ khí thô sơ nhưng tinh thần quả cảm, khí thế rất cao cùng đồng lòng hiệp lực ngăn chặn âm mưu mở rộng địa bàn của giặc Pháp. Đó là những chiến công vang dội đánh chìm tàu giặc trên truyến sông Đà, núi Chẹ, trên tuyến đường 6, đó là vò rượu cần giết giặc của Nhân dân Lạc Sơn. Đó là những đêm ngày tăng gia sản xuất, chiến đấu, vận chuyển hàng viện trợ lên chiến trường phục vụ chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu. Sau chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, với trận đánh mở màn ở cứ điểm Tu Vũ - núi Chẹ, là chiến dịch tiến công lớn nhất của quân ta từ khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến, chủ yếu diễn ra tại khu vực thị xã Hòa Bình, dọc tuyến sông Đà và trên tuyến đường 6. Dù được pháo, máy bay, xe tăng yểm trợ, nhưng quân Pháp vẫn hoàn toàn bất lực trước một đội quân thua kém về số lượng và trang bị vũ khí. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Hòa Bình đã giải phóng thị xã Hòa Bình và một vùng lãnh thổ rộng với 2 vạn dân.

Trong điều kiện vừa có vùng giải phóng rộng lớn, vừa có một khu vực nhỏ đang bị địch chiếm đóng, tỉnh ta đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới và có nhiều giải pháp để xây dựng Hòa Bình thành hậu phương vững chắc. Tại khu giải phóng, nhiệm vụ hàng đầu là nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của dân, xây dựng, củng cố chính quyền, LLVT, chống chính sách chia rẽ của địch, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu phá hoại, tập kích, lấn chiếm của địch. Tỉnh đã phát động phong trào "Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” để ổn định đời sống Nhân dân; đồng thời, củng cố xây dựng lực lượng, nhất là LLVT, dân quân, du kích, xây dựng bộ đội chủ lực tỉnh, chủ lực huyện và dân quân du kích xã, chống lại sự quấy rối, đánh phá của quân địch, xây dựng Hòa Bình thành hậu phương vững mạnh, bảo đảm giao thông thông suốt giữa Việt Bắc với Liên khu III, Liên khu IV. Địa bàn Hòa Bình trở thành trạm trung chuyển của tiền phương Tây Bắc.

Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm sự thông suốt của tuyến đường từ hậu phương ra tiền phương cho bộ đội, dân công, đoàn vận tải. Ngoài việc bảo đảm an toàn giao thông, quân và dân Hòa Bình đã đóng góp cho chiến dịch Tây Bắc: Chuyển 5.000 tấn gạo ra mặt trận, vận chuyển đường thủy 600 tấn hàng; ủng hộ bộ đội 1.000 tấn gạo và nhiều thực phẩm khác. Đầu năm 1954, Hòa Bình tiến hành cuộc truy quét nhiều ổ nhóm phản động, biệt kích ở Lạc Thủy, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong… Trong những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ, các LLVT của tỉnh được giao nhiệm vụ bao vây, bám sát, kìm chân địch ở những nơi chúng chiếm đóng; chặn đánh địch lấn chiếm ven đường 21, đường 6; bảo đảm an toàn giao thông, kho tàng, an ninh tại địa phương, đẩy mạnh hoạt động du kích trong vùng bị tạm chiếm. Quân và dân tỉnh ta đã huy động hàng chục vạn lượt dân công, hàng trăm xe đạp thồ, vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa đến các địa điểm tập kết; chuẩn bị lương thực phục vụ bộ đội chủ lực của ta, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Tài liệu lịch sử ghi nhận về đóng góp của Nhân dân Hòa Bình trong kháng chiến chống Pháp: Đánh 1.783 trận, trong đó có 806 trận độc lập tác chiến, diệt 1.798 tên, đánh bị thương 568 tên, bắt sống 239 tên Âu Phi, bức hàng 134 tên; thu 481 súng, 211 lựu đạn, 691 quả mìn, 58.432 viên đạn, 51 xe ô tô, 1 xe tăng, 3 kho quân trang quân dụng. Cũng trong cuộc kháng chiến này, người dân Hòa Bình đã phải chịu đựng những đau thương, mất mát. Hàng nghìn người dân bị địch sát hại; có 651 bộ đội, cán bộ, dân quân, du kích hy sinh; 2.692 trâu, bò bị cướp, 5.782 nhà bị phá hủy. Về dân công phục vụ, trong 4 năm (1951 - 1954), Hòa Bình đã phục vụ 9.993.560 ngày dân công. Trong thời gian trên, tỉnh đã có 1.857.196 ngày công để làm đường, sửa cầu phục vụ kháng chiến. Trong phong trào thi đua, Hòa Bình có 10 chiến sỹ thi đua ngành công nghiệp, 17 chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp, 8 chiến sỹ thi đua trong phục vụ dân công, 8 chiến sỹ thi đua trong lực lượng vũ trang, dân quân, du kích…

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại là điều kiện cho tỉnh phát triển toàn diện về các mặt, chuẩn bị cho những nhiệm vụ cách mạng tiếp theo trong giai đoạn 1954 - 1975. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, tỉnh hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiềm lực quốc phòng, khu vực phòng thủ, thế trận lòng dân được củng cố vẵng chắc, tạo điều kiện phát triển KT-XH bền vững.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/152122/quan-va-dan-hoa-binh-tu-hao-gop-suc-cho-chien-thang-dien-bien-phu.htm