Quảng bá kiểu ngoa ngôn

Có tốt mới nói tốt, chưa tốt thì cố gắng làm cho tốt chứ đừng quảng bá kiểu nói vống lên, không đúng với chất lượng của sản phẩm....

Mới đầu tháng, đầu năm, bàn về vấn đề này, e nhiều người lại tự ái vì đụng chạm! Mà không nói, im lặng cho qua thì khác gì tiếp tay cho cái sai. Hậu quả là công chúng bị lừa, môi trường văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng xấu bởi những sản phẩm kém chất lượng!

Chuyện là thế này: Cứ vào dịp cận Tết, môi trường văn hóa nghệ thuật, nhất là tại những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... các chương trình giải trí theo quy luật lại nở rộ như nấm sau mưa. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí coi đây là dịp “làm một mùa, ăn cả năm” nên việc cạnh tranh giành thị phần khán giả diễn ra rất gay gắt. Xét trong quy luật kinh tế thị trường, sự cạnh tranh lành mạnh là yếu tố thúc đẩy phát triển.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Công chúng có nhiều sự lựa chọn để tiếp cận, thưởng thức những sản phẩm, chương trình nghệ thuật chất lượng. Để thu hút sự chú ý, quan tâm của công chúng, công tác quảng bá, nghệ thuật tiếp thị được các doanh nghiệp, nhà sản xuất đặc biệt quan tâm. Và từ đó, kiểu ngoa ngôn, lộng ngữ, nói hay, nói tốt cho sản phẩm dở... là một trong những chiêu thức không ít nhà sản xuất áp dụng.

Mới đây, được mời tham dự chương trình ra mắt một game show giải trí trên truyền hình, nhiều phóng viên lắc đầu ngán ngẩm khi đọc thông cáo báo chí do nhà sản xuất cung cấp. “Chưa từng có”, “hoàn toàn mới”, “đột phá ngoạn mục”, “lần đầu tiên xuất hiện”, “hơn cả bom tấn”, “nghệ thuật thượng thừa”, “đẳng cấp quốc tế”, “ngôi sao tầm cỡ”... là những thuật ngữ được nhà sản xuất sử dụng để quảng bá cho sản phẩm giải trí của mình. Một số nhà báo bày tỏ bức xúc: Nếu viết theo những gì nhà sản xuất cung cấp mà chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo thì chính là mình đã tiếp tay lừa dối công chúng!

Thời gian qua, không ít bộ phim điện ảnh trong quá trình bấm máy được nhà sản xuất giới thiệu là “bom tấn” của điện ảnh Việt, nhưng khi công chiếu thì chất lượng quá tệ. Một số phim chỉ ở tầm sản phẩm tốt nghiệp của sinh viên điện ảnh hoặc phim chiếu mạng.

Có nhà sản xuất lên truyền thông “nổ” rằng, phim của mình có góc tiếp cận mới lạ, tạo lối đi riêng cho điện ảnh về đề tài lịch sử, nhưng khi công chiếu thì chả khác gì một bản thảo đầy “lỗi chính tả”, vừa ngô nghê về nghệ thuật, vừa nghiệp dư về kỹ thuật. Có đạo diễn rất tự tin tuyên bố: “Nếu khán giả chê phim của tôi là có tội với cả nền điện ảnh”! Thế rồi khi phim ra rạp, ngoài mấy cảnh đánh đấm làm màu, chả thấy gì gọi là sáng tạo nghệ thuật. Nhiều “bom tấn” trở thành “bom xịt”. Không ít phim bị liệt vào hạng “thảm họa” điện ảnh...

Thị trường giải trí, nhất là các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, game show truyền hình... đang diễn biến rất sôi động và đa dạng. Bên cạnh những nhà sản xuất có tinh thần trách nhiệm, đầu tư nghiêm túc, quy tụ được những tài năng nghệ thuật cho ra đời những sản phẩm chất lượng, là không ít kiểu làm ăn cẩu thả, thiếu trung thực, quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo.

Thị trường giải trí của chúng ta đang hướng đến mô hình ngành công nghiệp giải trí với mục tiêu tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Yêu cầu về tính chuyên nghiệp ngày càng được đề cao. Kiểu ngoa ngôn trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm là con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại. Trong môi trường số, không ai có thể bưng bít dư luận công chúng. Khi anh lừa dối công chúng, tất yếu sẽ bị công chúng tẩy chay. Việc một số bộ phim “thảm họa” điện ảnh bị lỗ nặng vừa qua là bài học nhãn tiền.

Trong những thất bại do yếu tố chủ quan của lao động nghệ thuật, bị công chúng tẩy chay là thất bại thảm hại nhất!

Vì vậy, có tốt mới nói tốt, chưa tốt thì cố gắng làm cho tốt chứ đừng quảng bá kiểu nói vống lên, không đúng với chất lượng của sản phẩm.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quang-ba-kieu-ngoa-ngon-715933