Quảng Bình: 1 người chết, 17.628 ngôi nhà bị ngập

Tính đến trưa 28/10, tại Quảng Bình mưa lớn đã làm 1 người chết, 3 tàu cá bị chìm, 17.628 ngôi nhà bị ngập lụt, đặc biệt tại huyện Lệ Thủy.

Nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước

Nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước

17.628 ngôi nhà bị ngập lụt

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến trưa 28/10, mưa lớn trong những ngày qua tại địa phương đã làm 17.628 ngôi nhà ngập lụt (Lệ Thủy 12.361 ngôi nhà; huyện Quảng Ninh 4.897 nhà; TP. Đồng Hới 370 nhà).

Bên cạnh ngập lụt, có 44 thôn bản bị chia cắt (huyện Lệ Thủy 5 thôn, bản; huyện Quảng Ninh 38 thôn, bản; huyện Tuyên Hóa 1 thôn).

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 89 hộ, 333 khẩu. Ngoài ra tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng các hộ đã di dời nội bộ từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng. Huyện Bố Trạch cũng đã di dời 13 hộ/53 khẩu, huyện Quảng Ninh đã di dời 231 hộ/531 khẩu, huyện Tuyên Hóa đã di dời 2 hộ/9 khẩu đến nơi an toàn.

Mưa lớn đã làm 1 người chết do bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại huyện Lệ Thủy; 3 tàu cá bị chìm; hàng trăm diện tích hoa màu, hồ cá nuôi bị hư hỏng; 70 điểm, tuyến đường giao thông bị ngập.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều tối 27/10, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tập trung lực lượng và phương tiện cho công tác phòng, chống, nhất là các xã vùng trũng. Huyện Lệ Thủy tiếp tục triển khai hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", chỉ đạo các xã rà soát lại các công việc, hỗ trợ các gia đình trong công tác di dời, nhất là gia đình vùng thấp, neo đơn.

Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng sẵn sàng lực lượng, trong đó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là đầu mối, thường xuyên giữ liên lạc để kịp thời điều động lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ người dân, trước mắt, tập trung cho vùng trọng điểm lũ lụt Lệ Thủy.

Tuyến đường sắt bị sạt lở do mưa lớn

Tuyến đường sắt bị sạt lở do mưa lớn

Ngành đường sắtnỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Những ngày qua do nước lũ dâng cao, chảy siết đã cuốn trôi nhiều hạng mục, kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, khiến tuyến đường sắt bị tê liệt.

Ngày 28/10, ông Võ Quốc Anh, Quyền Trưởng phòng Quản lý An toàn đường sắt II, Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, nhằm khôi phục tuyến đường sắt qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đảm bảo an toàn chạy tàu, phục vụ người dân, hành khách đi lại trên tuyến, hiện nay các đơn quản lý đường sắt, nhà thầu bảo trì đang nỗ lực khắc phục hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ sau cơn bão số 6.

Ông Võ Quốc Anh cho hay, từ trưa 27/10, mưa lũ sau cơn bão số 6 đã gây thiệt hại nhiều hạng mục công trình đường sắt, kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Điển hình như trên đoạn tuyến khu gian đường sắt Sa Lung (Quảng Trị) - Đồng Hới (Quảng Bình) bị thiệt hại nghiêm trọng. Nước lũ đã cuốn trôi, xói lở hàng trăm mét dài nền đá, tà vẹt, đường ray... khiến đoạn tuyến đường sắt này bị tê liệt hoàn toàn.

Theo đó, ngày 27/10, sau cơn bão số 6, mưa to, gió lớn khiến nhiều cây xanh ngã đổ trên tuyến đường sắt khu vực từ TP. Huế đến Kim Liên (Đà Nẵng). Nước lũ gây ngập mặt ray, chảy xiết, trôi nền đá từ km578+680 đến km589+00 nên đã phong tỏa khu gian Sa Lung - Tiên An. Tiếp đó, nước lũ làm sạt lở mố cầu km569+292 khu gian Mỹ Trạch - Thượng Lâm phía thượng lưu.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn về hệ thống thiết bị tín hiệu đường sắt tại Thượng Lâm - Mỹ Trạch - Sa Lung (Quảng Trị), Đồng Hới - Lệ Kỳ (Quảng Bình).

Để đảm bảo hành trình cho hành khách đi tàu, đơn vị quản lý, khai thác đường sắt phải thực hiện chuyển tải hành khách bằng ô tô qua lại giữa 2 ga Đông Hà (Quảng Trị) và ga Đồng Hới (Quảng Bình).

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có lệnh chuyển tải hành khách của tàu SE6, SE7, SE5, SE3, SE19 qua vùng mưa bão bằng ô tô đi từ ga Đồng Hới đến ga Đông Hà và ngược lại.

"Nhờ có sự chuẩn bị phương án nên công tác chuyển tải hành khách trên tuyến được thực hiện an toàn, thuận lợi cho hành khách đi tàu. Đặc biệt, đơn vị quản lý, khai thác đã thực hiện phục vụ miễn phí suất ăn chính và suất ăn phụ cho hành khách trong thời gian phong tỏa, dừng tàu", ông Võ Quốc Anh thông tin.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/quang-binh-1-nguoi-chet-17628-ngoi-nha-bi-ngap-10224102813193604.htm