Quảng Bình đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có những diễn biến phức tạp và xuất hiện liên tục các ca bệnh mắc mới, nhất là ở địa bàn các xã, phường của thị xã Ba Đồn. Một số khu vực có chỉ số côn trùng tăng cao, nguy cơ dễ bùng phát các ổ dịch nhỏ và vừa.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Quảng Bình đang đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời. Việc chuẩn bị tốt công tác dự phòng, điều trị sốt xuất huyết được ngành Y tế địa phương quan tâm thực hiện.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 114 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu là địa bàn thành phố Đồng Hới với 24 ca, Quảng Trạch: 22 ca, Bố Trạch: 20 ca, thị xã Ba Đồn: 19 ca, Tuyên Hóa: 17 ca…
Theo chu kỳ hằng năm, từ tháng 6 trở đi là mùa của dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển và nguy cơ dễ phát sinh các ổ dịch nhỏ, vừa, nếu không có biện pháp phòng, tránh quyết liệt ngay từ đầu.
Đặc biệt, tại thị xã Ba Đồn, qua điều tra, theo dõi và giám sát, những ngày gần đây xuất hiện số ca sốt xuất huyết rải rác, liên tục ở thôn Tân Đông, xã Quảng Hải và 3 tổ dân phố Đơn Sa, Diên Phúc và Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc… Qua các đợt giám sát, chỉ số muỗi, bọ gậy tại xã Quảng Hải và phường Quảng Phúc tăng cao (BI> 30) so với các địa phương khác trên địa bàn thị xã. Hiện toàn thị xã Ba Đồn đã có 5/16 xã, phường có ca mắc sốt xuất huyết.
Về nguyên nhân xuất hiện liên tục các ca bệnh mới trên địa bàn, ông Nguyễn Phúc Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, do tình hình thời tiết, khí hậu có những diễn biến thất thường; người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu tự giác trong việc triển khai các biện pháp phòng bệnh. Sự lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương trên địa bàn thị xã chưa cao, chưa quyết liệt; việc phối kết hợp, tham gia liên ngành chưa chặt chẽ và chưa huy động được sự vào cuộc của nhân dân. Công tác phòng, chống dịch tại cơ sở cũng gặp không ít khó khăn khi hoạt động mạng lưới cộng tác viên, y tế thôn bản bị cắt bỏ dẫn đến những bất cập, hạn chế trong hoạt động tuyến dưới. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế, nhất là việc thu vật dụng phế thải, làm sạch các nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi truyền bệnh trong mỗi gia đình, công trình, nơi sản xuất kinh doanh.
Địa bàn thị xã Ba Đồn rộng, giao lưu người dân giữa các vùng, miền chưa quản lý hết, cùng với lối sống sinh hoạt của người dân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân nhân, đồng thời làm cho tình hình dịch bệnh diễn biễn ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Để chủ động phòng, chống, ngăn ngừa sớm nguy cơ bùng phát các ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn tích cực, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện các đợt chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, nhất là tại phường Quảng Phúc và xã Quảng Hải. Đơn vị hỗ trợ gần 50 lít hóa chất, cử tổ công tác cùng máy móc, trang thiết bị hỗ trợ Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa bàn có ca mắc sốt xuất huyết và những khu vực có chỉ số côn trùng cao. Qua đó góp phần phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, ngăn chặn kịp thời không để dịch bùng phát và lây lan.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn Nguyễn Phúc Kỳ cho biết: Đơn vị tiếp tục cường truyền thông về cách phòng, chống dịch bệnh nhằm thay đổi hành vi, ý thức của mỗi người dân; triển khai hưởng ứng Ngày Phòng, chống sốt xuất huyết ASEAN ngày 15/6/2023 trên địa bàn thị xã. Đơn vị tăng cường công tác vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy với phương châm “Không có loăng quăng/bọ gậy, không có dịch sốt xuất huyết”; hướng dẫn cho người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nơi ở và nơi làm việc, lau chùi và lật úp, thu gom các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thường xuyên thay nước các lọ hoa, chậu cảnh 5-7 ngày/lần.
Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn đẩy mạnh khám, tư vấn, thu dung và điều trị bệnh nhân tại các trạm y tế xã, phường; tăng cường giám sát bệnh nhân và véc-tơ truyền bệnh thường xuyên tại các xã, phường có bệnh nhân cao và triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường có bệnh nhân và chỉ số côn trùng cao. Cùng với đó, quản lý các ca bệnh từ cơ sở đến bệnh viện, cập nhật thông tin kịp thời; kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các trạm y tế.
Ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, trước tình hình dịch bệnh và diễn biến thất thường của thời tiết, nhận định trong thời gian tới sốt xuất huyết vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tháng 6 cũng bắt đầu kỳ nghỉ hè của học sinh và là mùa cao điểm du lịch nên sẽ gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người. Vì vậy, số ca mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Nhằm giúp công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, bên cạnh sự chủ động, tích cực của ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng.
Công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh vẫn là khâu quan trọng và sẽ được đơn vị chú trọng, đẩy mạnh triển khai. Mặt khác, đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện sớm, triển khai phun hóa chất phòng, trừ kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, lây lan…