Quảng Bình: Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng

Chính sách hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng về nhà ở trong những năm qua là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, để chính sách này thành công như kỳ vọng, phía địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng được phê duyệt, trước khi Đề án 22 kết thúc.

Một căn nhà hỗ trợ người có công với cách mạng đã được đưa vào sử dụng.

Thiết thực và nhân văn

Sau 7 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở đã xây mới, sửa chữa, mang “mái ấm” đến cho hàng trăm nghìn gia đình trên mọi miền đất nước.

Tại Quảng Bình, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã phê duyệt Đề án tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 10/10/2013, tổng số hộ gia đình toàn đề án là 14.436 hộ. Đến hết quý II/2019, toàn tỉnh đã có 11.905 hộ hoàn thành việc xây dựng nhà ở, trong đó: 4.715 hộ xây mới, 7.190 hộ sữa chữa, đạt 82,46% đề án phê duyệt, số hộ còn lại chưa thực hiện và không thực hiện do gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết: Qua rà soát, sàng lọc có đến 1.578 hộ thuộc đề án không có nhu cầu thực hiện. Số lượng các hộ gia đình NCC thực sự đang cần được hỗ trợ nhà ở thuộc danh mục đề án là 772 hộ.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho NCC là một chính sách xã hội quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương trong tỉnh đồng thuận, tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện. Đời sống của NCC với cách mạng sau khi được hưởng chính sách, hỗ trợ theo Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đã được nâng cao hơn trước, nhà ở khang trang, bền chắc, có diện tích sử dụng ít nhất 30m2.

Cần chủ động gỡ vướng

Theo kế hoạch, đến ngày 31/12/2019, tỉnh Quảng Bình phải hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng đối tượng còn lại trong đề án của tỉnh còn khá nhiều, việc theo sát, đôn đốc quá trình thực hiện là vấn đề cấp bách mà nhà chức trách hướng đến.

Nhà ở hỗ trợ NCC của ông Phạm Duyện - xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, hiện không có người ở, dùng vào thờ tự, chưa thể giải ngân.

Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình thường là: Nguồn vốn đã phân bổ nhưng gia đình đang có tang, đi làm ăn xa chưa về, một số hộ có hoàn cảnh quá khó khăn chưa có vốn đối ứng kịp thời và xin tiếp tục thực hiện trong năm 2019-2020; nhiều hộ không có nhu cầu thực hiện và khi rà soát nhận thấy sai đối tượng; nhiều hộ lồng ghép vào một số chương trình khác để xây dựng nhà ở… Số lượng hộ gia đình còn lại của đề án, UBND tỉnh đã phổ biến để các trường hợp này chủ động thực hiện, hoàn thành trong năm. Tuy vậy, qua việc khảo sát của chúng tôi tại một số địa phương trên tỉnh, nhận thấy, còn một vài vướng mắc chưa được chính quyền gỡ bỏ triệt để, nhằm sớm giải ngân, hỗ trợ kinh phí cho gia đình người có công hoàn thành việc xây dựng nhà ở.

Ông Phạm Văn Dần - Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Trên địa bàn xã có 132 hộ gia đình NCC được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy hiệu quả xã hội rõ rệt. Triển khai từ năm 2013 đến nay, còn ít tháng nữa là kết thúc đề án, tuy vậy, địa phương vẫn còn 14 hộ chưa thể giải ngân vì các lý do như: Xây trước thời điểm có quyết định; xây xong nhà thì chết và không có thân nhân; một số hộ quá khó khăn chưa có vốn đối ứng kịp thời; nhiều hộ không có nhu cầu thực hiện nữa… Với những hộ mới xây trong năm 2019, cho kéo dài đến hết năm, với những hộ xây trước thời điểm hay vừa xây xong thì bị chết, không có thân nhân, địa phương xin ý kiến HĐND xã, cũng như xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, tỉnh để có cơ sở xử lý”.

Ông Bùi Văn Khảm - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Đề án 22 hỗ trợ NCC về nhà ở là một chương trình lớn và đúng đắn của Chính phủ, ở miền Trung các đối tượng người có công với cách mạng rất nhiều, hiệu quả của chương trình bộc lộ rõ nét. Theo thống kê, huyện Quảng Ninh có hơn 1.300 hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Với các hộ gia đình bị vướng mắc trong quá trình thực hiện, các địa phương cần chủ động phương án xử lý, sớm giải quyết cho nhân dân hợp tình, hợp lý, đúng chủ trương”.

Đối tượng ngoài đề án còn nhiều

Qua nắm bắt ý kiến từ phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhận thấy, sau 7 năm triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình NCC với cách mạng khó khăn về nhà ở đã có điều kiện sống nâng lên, nhà cửa kiên cố hơn. Số tiền hỗ trợ từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đã góp phần động viên, khích lệ nhân dân phấn đấu xây cất nhà cửa. Huyện Quảng Ninh còn khoảng 800 hộ gia đình NCC nằm ngoài đề án hiện có nhu cầu về nhà ở. Các huyện thị khác như Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch… cũng còn khá nhiều.

Tuy vậy, theo Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 nêu rõ, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng theo quy định của Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/7/2107 của Chính phủ đến hết ngày 31/12/2019.

Với hơn 1.578 hộ có tên trong đề án không có nhu cầu thực hiện, đã mất và không đúng đối tượng, nguồn vốn Trung ương cấp cho địa phương còn dư khá lớn, trong khi số lượng hộ gia đình NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn rất lớn, nếu như có thể dùng một phần kinh phí này để hỗ trợ thêm các hộ gia đình thực sự khó khăn về nhà ở nằm ngoài Đề án sẽ rất thiết thực.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Nhất Linh

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-binh-day-nhanh-tien-do-ho-tro-nha-o-cho-gia-dinh-nguoi-co-cong-voi-cach-mang.html