Quảng cáo nổ mặc sức lừa người tiêu dùng
Nhan nhản thực phẩm chức năng được quảng cáo 'thổi phồng', lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý gần như 'bó tay' với vi phạm này…
Quảng cáo “thổi phồng”: Đóng trang này lại mở trang khác
Ngày 25/12, Cục An toàn thực phẩm phát ra thông tin “trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên một số website/internet đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Rockman, Gluwhite, Nori Kid vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo công dụng không đúng sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh. Các website quảng cáo vi phạm đó là: http://gluwhite.vn; http://www.viensui-rockman.net/rockman; https://thienduonglamdep.com/ bao-tu-loi-khuan-nori-kid-pd392...
Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định nội dung quảng cáo 3 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Rockman, Gluwhite, Nori kid đang được quảng cáo trên các website nêu trên không đúng với nội dung quảng cáo đã được Cục An toàn thực phẩm thẩm định.
Tuy nhiên, điều đáng nói, trong quá trình hậu kiểm, Công ty Cổ phần Nori Organic không thừa nhận các website nêu trên của Công ty Cổ phần Nori Organic, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo 3 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Rockman, Gluwhite, Nori kid trên các website này.
Riêng với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rockman của Công ty Nori Organic, chính Cục An toàn thực phẩm đã ra văn bản thu hồi hiệu lực giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ ngày 22/11, nhưng trên nhiều website, sản phẩm vẫn được quảng cáo, thậm chí quảng cáo không đúng sự thật.
Trước đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng khí cũng được phát hiện sai quy định của pháp luật về quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên các website trang vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn. Sản phẩm này được Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam (địa chỉ: Thôn An Lãng, Xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Trên các website trên, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao lỏng Vượng khí được giới thiệu “là sản phẩm duy nhất với hàm lượng dược tính cao giúp bé có thể “hấp thụ qua đường sữa mẹ” mà vẫn giữ nguyên công dụng của thuốc...”.
Trước những sai phạm này, Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm Cao lỏng Vượng khí đang được quảng cáo trên vuongkhi.com và nuoiconkheo.vn như thuốc chữa bệnh không phải do Công ty Cổ phần Phúc An Việt Nam thực hiện. Công ty không chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sản phẩm Cao lỏng Vượng khí vi phạm quy định được quảng cáo trên các website này.
Cũng trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các website https://www.jointcurevietnam.online/, https://hamara.com.vn/joint-cure/, https://suckhoe24h.net.vn /chi-tiet/joint-cure và https://zenco.com.vn/joint-cure/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Joint Cure với công dụng không đúng sự thật. Đây là thực phẩm chức năng nhưng đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, Jointcure được quảng cáo “là liệu pháp giúp loại bỏ nhanh chóng cơn đau do sưng khớp, thoái hóa khớp. Sản phẩm chữa trị tình trạng cơ co thắt và các sưng tấy Jointcure hữu hiệu trong việc điều trị thoái hóa khớp, viêm khớp… Kết quả thấy rõ ngay sau đợt điều trị đầu tiên…”. Sản phẩm này được Công ty TNHH Efirst Asia Việt Nam (địa chỉ: 64 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.
Mặc dù quảng cáo sai phép, hay thổi phồng, sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng… nhưng sau khi bị phát hiện, các quảng cáo này hầu hết vẫn tiếp tục tồn tại, hoặc đóng trang này lại được mở sang trang khác… Điều này khiến cơ quan quản lý nhà nước vô cùng khó kiểm soát, đồng thời khiến thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe càng trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Sửa nghị định để quản chặt công ty kinh doanh thực phẩm chức năng
“
Để tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ thông báo và cập nhật liên tục trên các trang thông tin chính thống về các loại thực phẩm chức năng, doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong quảng cáo và pháp luật về an toàn thực phẩm để người dân biết và không mua các sản phẩm này.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
”
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hành vi quảng cáo sai phạm về thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng internet đang có xu hướng gia tăng.
Sai phạm thường gặp nhất là quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng có tác dụng như “thần dược”, như thuốc chữa bệnh, hay thực hiện quảng cáo không đúng nội dung quảng cáo đã được cấp phép… Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước gặp không ít khó khăn. Điển hình như các vụ việc nêu trên là tình trạng doanh nghiệp không thừa nhận hành vi sai phạm.
Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có dấu hiệu vi phạm trên những trang web hay tài khoản Facebook. Khi phát hiện ra các nội dung quảng cáo sai phạm, nếu xác định được chủ thể thực hiện quảng cáo sai phạm đó thì sẽ xử lý vi phạm hành chính. Còn những trường hợp chưa xác định được chủ thể thì Cục An toàn thực phẩm sẽ thông báo để phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý.
Song song với việc xác minh và chờ xử lý, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng trên trang website/internet được phát hiện có quảng cáo không đúng sự thật.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế tại các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm, bổ sung hình thức xử phạt bằng thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời nghiên cứu sửa Nghị định 15/2018 theo hướng các công ty kinh doanh thực phẩm chức năng phải có kho hàng, địa chỉ, phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ban, ngành liên quan để tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo thực phẩm và giải pháp quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quang-cao-no-mac-suc-lua-nguoi-tieu-dung-d447307.html