Quang Linh Vlogs chia sẻ bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam

Về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, nhiều đại biểu đã thể hiện kỳ vọng về việc khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được vun đắp mạnh mẽ. SGGP ghi nhận ý kiến một số đại biểu.

 Các đại biểu dự đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Anh Phạm Quang Linh, kiều bào Angola:

Khi còn trẻ tuổi, mình nên làm những việc cảm thấy là tốt

Tôi rất tự hào về việc được đại diện cho cộng đồng người Việt Nam xa Tổ quốc về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Cách đây 8 năm, khi rời Việt Nam sang châu Phi, tôi chỉ là một thanh niên xuất khẩu lao động, vừa mong muốn làm kinh tế cải thiện đời sống cho gia đình, vừa khám phá thế giới.

Khi ở châu Phi, tôi thấy đời sống người dân còn rất khó khăn. Người dân thiếu kiến thức. Nếu chỉ cho “con cá” là đồ ăn thì sẽ không tiến bộ lên được, đất đai họ rộng mà chưa biết làm nông nghiệp. Bởi vậy, tôi và anh em đã nghĩ đến việc giúp họ làm nông nghiệp với cây lương thực chính như ngô, khoai, sắn để cải thiện đời sống.

Anh Phạm Quang Linh, kiều bào Angola chia sẻ với phóng viên Báo SGGP. Video: PHAN THẢO

Đặc biệt, thông qua kênh Youtube “Quang Linh Vlogs - cuộc sống ở châu Phi”, không chỉ người dân địa phương mà nhiều nơi cũng học hỏi, tham khảo được.

Tôi cảm thấy rất vui vì sau đó, nhiều người đã được hưởng lợi từ thành quả của mình.

Quá trình làm việc tại Angola, bản thân tôi có nhiều thay đổi, với nhận thức mới. Khi ở nước ngoài, tôi không chỉ là một cá thể nữa, hành động của tôi còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mình trên bản đồ quốc tế. Những việc làm của tôi và bạn bè được nhiều người quan tâm và người ta không chỉ nhắc đến cá nhân tôi mà còn nói đến đất nước Việt Nam.

 Anh Phạm Quang Linh, kiều bào Angola. Ảnh: PHAN THẢO

Anh Phạm Quang Linh, kiều bào Angola. Ảnh: PHAN THẢO

Qua những hoạt động của tôi, tôi mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, mong muốn lan tỏa hình ảnh đất nước mình với thế giới; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc từ bên ngoài đất nước; đồng thời, từ việc làm của mình có thể làm động lực cho chính những bạn trẻ trong nước.

Về dự đại hội lần này, tôi mong muốn góp sức để phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của đất nước.

Tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, khi còn trẻ tuổi, mình nên làm những việc gì mình cảm thấy là tốt, lan tỏa được đến nhiều người trong nước và nước ngoài, chúng ta đều theo chiều hướng đi lên và phát triển.

 Đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự đại hội, 20 tuổi, Bà Thị Hà trả lời phỏng vấn Báo SGGP. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự đại hội, 20 tuổi, Bà Thị Hà trả lời phỏng vấn Báo SGGP. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự đại hội, 20 tuổi, Bà Thị Hà, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước:

Muốn là người truyền cảm hứng cho tất cả các bạn thanh niên dân tộc

Là nhân viên y tế của Trường Tiểu học Hoàng Diệu, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, là Bí thư chi đoàn thôn, tôi từng được nhận Bằng khen là thanh niên dân tộc tiêu biểu của Huyện đoàn.

Tôi rất vui và tự hào khi được đại diện cho rất nhiều người trẻ, đặc biệt là những người trẻ dân tộc. Tôi mong muốn bản thân mình là người truyền cảm hứng để cho tất cả các bạn thanh niên dân tộc, tôn giáo đoàn kết với nhau, phát triển bản thân mình nhiều hơn để cống hiến cho quê hương đất nước.

Đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự đại hội, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP. Video: PHAN THẢO

Làm Bí thư chi đoàn thôn, ở địa phương có rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số lưu trú lâu năm, các bạn còn nhút nhát, chưa dám thể hiện bản thân.

Do đó, tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn, để các bạn phát triển tư duy đóng góp cho quê hương ngày càng giàu mạnh, đó là cách mà thanh niên có thể đóng góp cho xã hội, đất nước.

 Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Ảnh: PHAN THẢO

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM. Ảnh: PHAN THẢO

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM:

Chung tay để không còn những gia đình thiếu ăn thiếu mặc, thiếu điều kiện giáo dục

Vinh dự được dự đại hội lần này, tôi có ước vọng mọi người chung tay làm cho dân tộc Việt Nam mỗi ngày mỗi đi lên, sánh ngang với thế giới. Bác Hồ đã dạy, đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công.

Mặt trận chính là nòng cốt khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có các tôn giáo. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc với tinh thần hộ quốc an dân, luôn có mặt trong công tác an sinh xã hội, mang lại lợi ích cho dân tộc, đó chính là ước vọng của mọi người nói chung, Phật giáo nói riêng.

Mặt trận chính là điểm tựa để mỗi người chúng ta chung tay góp sức, đưa đất nước ngày một đi lên. Đó là ước vọng của riêng tôi cũng như của Phật giáo TPHCM.

Tôi mong mặt trận nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, để tiến kịp sự đổi mới hàng ngày của thế giới, phải không ngừng đổi mới thì mới lắng nghe được sự thay đổi của xã hội.

Mặt trận hãy mở rộng tập hợp, đoàn kết các giai tầng trong toàn xã hội để xóa hết đói nghèo, không còn những gia đình thiếu ăn thiếu mặc, thiếu điều kiện giáo dục.

Chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, đoàn kết mới thành công, đạo Phật cũng dạy về sự hòa hợp, chính sự hòa hợp đó mới là sức mạnh. Dù chúng ta là ai, thì trước tiên phải biết mình là người Việt Nam; dù là tín ngưỡng tôn giáo nào thì trước hết vẫn phải biết đến quê hương, đất nước. Mặt trận là ngôi nhà chung để tất cả các sắc tộc, tôn giáo cùng ngồi lại với nhau, thực hiện những ước vọng mà cha ông chúng ta đã chỉ dạy.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-linh-vlogs-chia-se-ben-le-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-mttq-viet-nam-post763946.html