Quảng Nam chủ động phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

Là địa phương thường xuyên bị tác động tiêu cực của tình hình mưa lũ, sạt lở đất nên thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chủ động các phương án để ứng phó. Trong đó, chú trọng tập trung sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại những vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Dự kiến đến hết năm 2025, Quảng Nam thực hiện sắp xếp dân cư khoảng 3.500 hộ, trong đó số hộ vùng thiên tai khoảng 3.200 hộ, cơ bản giải quyết nhu cầu bố trí dân cư vùng thiên tai khu vực miền núi của tỉnh...

Mới bước vào mùa mưa lũ năm nay, song trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở cao tại các huyện miền núi, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình, trung tuần tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã xảy ra vết nứt và sụt lún đất, đe dọa trực tiếp đến 11 hộ/41 nhân khẩu.

Qua khảo sát, cơ quan chức năng ghi nhận vết nứt theo hình vòng cung, trên đỉnh đồi so với mặt cắt khu dân cư khoảng 60m. Chiều dài vết nứt khoảng 125m; độ sụt, lún của mảng trượt thấp hơn so với mặt bằng tự nhiên bình quân khoảng 1,5m; độ hở vết nứt khoảng 1m và biến dạng tại một số điểm dọc theo vết nứt khoảng 1,5m.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế khu vực xuất hiện vết nứt lớn và sụt lún đất tại thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế khu vực xuất hiện vết nứt lớn và sụt lún đất tại thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang.

Sau khi khảo sát thực tế tại khu vực này, ngày 7/10 vừa qua, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về vết nứt xảy ra tại thôn 56B, xã Đắc Pre. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT và TKCN) huyện Nam Giang huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá chọn vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, lập hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định, trước mắt xây dựng phương án bố trí đất tái định cư cho 11 hộ dân bị ảnh hưởng.

Tại huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, qua khảo sát sơ bộ, trên địa bàn huyện xuất hiện hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở cao, dễ bị ảnh hưởng nặng nề khi mưa lũ xảy ra. Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Bắc Trà My sắp xếp, ổn định dân cư là 218 hộ. Việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện nhằm di dời hộ dân ở những vùng bị ảnh hưởng do thiên tai đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh - quốc phòng địa phương.

“Kế hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng gắn phát triển kinh tế với củng cố an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện. Trong đó, ưu tiên bố trí cho các hộ cần phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai, vùng nhân dân sống phân tán, vùng đặc biệt khó khăn”, ông Vương thông tin thêm.

Tiếp giáp với huyện Bắc Trà My, huyện Nam Trà My cũng là địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở đất. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện có nguy cơ sạt lở cao, do địa hình của huyện hầu hết là đồi núi cao, dân cư sống dọc theo các triền đồi núi. Vì vậy, UBND huyện đã có phương án PCTT và TKCN về sạt lở và tổ chức khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở để đưa ra phương án ứng phó phù hợp.

UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo UBND các xã xây dựng phương án cho từng xã, có kế hoạch sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời vận động người dân tích trữ lương thực để ứng phó khi có sạt lở, mưa lũ dẫn đến bị cô lập dài ngày. Bên cạnh đó, UBND huyện Nam Trà My cũng đã bố trí doanh nghiệp ứng trực tại các tuyến đường chính được dự báo có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng nhân lực, phương tiện thông đường, hạn chế thấp nhất việc tắc đường, cô lập kéo dài; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện phụ trách từng địa bàn, theo các xã phụ trách; kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước thiên tai; trực tiếp ứng trực, chỉ huy công tác phòng tránh, ứng phó thiên tai cùng các địa phương.

Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, để ứng phó với tình hình mưa lũ năm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.

Về dự trữ lương thực, thực phẩm, Sở LĐ-TB&XH đã rà soát, kiểm tra việc dự trữ hàng hóa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu của các địa phương, nhất là các vùng có nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Sở Công Thương chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia chuẩn bị dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp kịp thời cho nhân dân trên địa bàn khi có thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Khi cần thiết, Sở Công Thương sẽ báo cáo UBND tỉnh và huy động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, các đơn vị ngoài tỉnh ứng cứu kịp thời. Trong trường hợp các vùng bị chia cắt lâu ngày đã huy động hết nguồn dự trữ tại chỗ, Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa thiết yếu huy động các nguồn lực vận chuyển hàng hóa từ các doanh nghiệp phân phối đến các khu vực bị sạt lở gây chia cắt, đảm bảo không để thiếu hàng, sốt giá ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Liên quan công tác di dời, sắp xếp ổn định dân cư phòng tránh thiên tai tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, ông Trương Xuân Tý cho biết, tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư theo tinh thần Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh, trong đó ưu tiên thực hiện hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân vùng thiên tai.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23 giai đoạn 2021-2025 là sắp xếp, ổn định dân cư cho khoảng 7.821 hộ; trong đó hộ vùng thiên tai là 2.333 hộ, hộ sống trong khu rừng phòng hộ, đặc dụng 28 hộ, hộ vùng đặc đặc biệt khó khăn (xa xôi hẻo lánh, thiếu kết cấu hạ tầng thiết yếu, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt) 5.250 hộ. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai các năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là ở địa bàn các huyện miền núi cao, qua rà soát của các huyện miền núi vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, giai đoạn 2021-2025 khu vực miền núi của tỉnh, số hộ dân vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai đã tăng thêm 979 hộ so với thời điểm rà soát xây dựng Nghị quyết 23, đưa tổng số hộ dân vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai cần phải di dời lên 3.312 hộ.

Theo số liệu thống kê, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, từ năm 2021 đến 30/6/2024, tổng số hộ được hỗ trợ thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở là 2.168 hộ; trong số đó, hộ vùng thiên tai là 1.917 hộ. Dự kiến đến hết năm 2024, số hộ thực hiện sắp xếp dân cư khoảng 2.400 hộ; dự kiến đến hết năm 2025, số hộ thực hiện sắp xếp dân cư khoảng 3.500 hộ, trong đó số hộ vùng thiên tai khoảng 3.200 hộ, cơ bản giải quyết nhu cầu bố trí dân cư vùng thiên tai khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/quang-nam-chu-dong-phuong-an-ung-pho-mua-lu-sat-lo-dat-i747702/