Quảng Nam: Tăng cường quản lý đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Văn bản số 10/CT-UBND chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam tăng cường công tác quản lý hồ, đập chứa nước.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 93 hồ chứa thủy lợi, thủy điện (trong đó có 73 hồ chứa thủy điện) đang hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế.

Đặc biệt, đa số hồ chứa nhỏ đượ̣c thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không còn phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn đập năm 2018, có khoảng 30 hồ chứa thủy lợi có hiện tượng sụt lún, xói lở mái thượng, hạ lưu đập, lòng hồ bị bồi lấp khá lớn, cầu công tác bị hư hỏng, cửa cống và thiết bị đóng mở xuống cấp rò rỉ, tràn xả lũ bị bong vữa, nứt nẻ hoặc tràn đất tự nhiên có khẩu độ còn nhỏ, khả năng thoát lũ kém, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Để đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện và vùng hạ du trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu triển khai thực hiện ngay các công việc sau đây: Đối với UBND huyện, thị xã, TP phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh mục các đập, hô chứa nước hư hỏng, xuống cấp và xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, báo cáo Sở NN&PTNT theo quy định.

Đồng thời chỉ đạo củng cố lực lượng quản lý hồ chứa có đủ năng lực, chuyên môn; thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, kiểm tra hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra sự cố.

Đập thủy điện sông Bung 2 từng xảy ra sự cố vỡ van vào năm 2016.

Quyết định phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du; Chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ hàng năm.

Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và quyết định việc tích nước đối với các hồ chứa do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý; Phối họp tổ chức kiểm tra, lập danh mục các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp gửi Bộ NN&PTNT; Sở Công thương tỉnh tiếp tục rà soát các dự án thủy điện có quy mô vừa và nhỏ, chưa triển khai xây dựng, chủ động, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở NN&PTNT tham mưu đề xuất UBND tỉnh dừng thực hiện đối với các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững.

Các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa nước thủy lợi thực hiện báo cáo hiện trạng an toàn đập và gửi về Sở NN& PTNT (qua Chi cục Thủy lợi) trước ngày 10/6 hàng năm; xây dựng phương án phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa thủy lợi và phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập, gửi về Sở NN&PTNT để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/8 hàng năm.

Các đơn vị quản lý hồ thủy điện xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định; đầu tư trang bị hệ thống giám sát tự động, hệ thống cảnh báo xả lũ hạ du cho các đập, hồ chứa thủy điện đê hỗ trợ quản lý, vận hành và chỉ đạo ứng phó trong trường hợp khẩn cấp...

Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo, thông tin ở vùng hạ du và hệ thống camera giám sát, truyền hình ảnh về các đơn vị liên quan ở Trung ương và địa phương theo quy định của Quy trình 1537. Đối với hệ thống camera đảm bảo phải quan sát được độ mở cửa van (kẻ vạch để dễ giám sát), phía hạ lưu các cửa tràn và quan sát được cột đo mực nước hồ ở thượng lưu.

Nguyễn Tuấn

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-nam-tang-cuong-quan-ly-dam-bao-an-toan-dap-ho-chua-nuoc.html