Quảng Nam: Yêu cầu kiểm tra vụ đấu giá mỏ cát từ hơn 1 tỷ lên tới 370 tỷ đồng

Sáng 19/10, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, phiên đấu giá điểm mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn vừa kết thúc rạng sáng nay. Giá khởi điểm từ 1,4 tỷ đồng nhưng chốt phiên tới 370 tỷ đồng.

Phiên đấu giá mỏ cát ở xã Điện Thọ kéo dài hàng chục giờ đồng hồ. Ảnh CTV

Phiên đấu giá mỏ cát ở xã Điện Thọ kéo dài hàng chục giờ đồng hồ. Ảnh CTV

Theo bà Châu, phiên đấu giá mỏ cát kết thúc lúc 4h08 sáng nay, sau khi trải qua 200 vòng đấu. Mỏ cát được chốt giá 370 tỷ đồng, ở mức 1.534,6% so với giá khởi điểm là 1,4 tỷ. Doanh nghiệp trúng thầu có trụ sở tại TP Đà Nẵng. Trước sự việc này, UBND thị xã Điện Bàn báo cáo sự việc cho lãnh đạo UBND tỉnh.

Theo bà Châu, mỏ cát này có diện tích 6,04 ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000 m3, giá khởi điểm R = 5%, bước giá 0,8%. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền 242,8 triệu đồng. Các đơn vị bắt đầu đấu giá vào 8h ngày 18/10 tại hội trường UBND thị xã Điện Bàn.

Các doanh nghiệp liên tục nâng bước giá. Ảnh CTV

Các doanh nghiệp liên tục nâng bước giá. Ảnh CTV

Theo một số doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá này, có khá đông đơn vị tới hội trường UBND thị xã Điện Bàn từ sáng 18/10. Tuy nhiên do phiên đấu giá kéo dài, các đơn vị liên tục bỏ giá cao để giành quyền khai thác nên lần lượt nhiều người đành ra về.

Tới 4h08 sáng nay (19/10), khi mức giá 370 tỷ đồng được doanh nghiệp ở Đà Nẵng đưa ra thì mới ngã ngũ. Như vậy, từ lúc bắt đầu đến chốt phiên là hơn 20 tiếng.

Thời gian qua giá cát ở Quảng Nam, đặc biệt là vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Xuy Duyên... liên tục biến động. Cát khan hiếm do việc siết chặt các quy định, nhiều mỏ cát hết thời gian khai thác khiến nhiều thời điểm, giá được đẩy cao ngất ngưởng.

Theo thông tin trong thông báo đấu giá quyền khai thác mỏ cát thì các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản phù hợp với loại khoáng sản đưa ra đấu giá; đủ năng lực, kinh nghiệm khai thác sẽ được tham gia phiên đấu. Đơn vị tham gia phải có văn bản giới thiệu năng lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Máy móc thiết bị trong hồ sơ năng lực phải có giấy tờ chứng minh là tài sản sở hữu của doanh nghiệp hoặc của tổ chức cho thuê thiết bị.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có hồ sơ giới thiệu năng lực tài chính và khả năng huy động vốn, báo cáo tài chính của năm gần nhất. Doanh nghiệp cũng phải phác họa kế hoạch sơ bộ về đầu tư, thăm dò, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bản cam kết thực hiện dự án.

Một số người ở lại sau khi kết thúc phiên đấu giá mỏ cát ở xã Điện Thọ.

Một số người ở lại sau khi kết thúc phiên đấu giá mỏ cát ở xã Điện Thọ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tôi đã tiếp nhận thông tin này và đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng vào cuộc xem xét việc đấu giá này có đúng theo luật đấu giá hay không, nếu có vi phạm các quy định đấu thầu thì xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-nam-yeu-cau-kiem-tra-vu-dau-gia-mo-cat-tu-hon-1-ty-len-toi-370-ty-dong-10292627.html