Quảng Ngãi đặt chỉ tiêu hỗ trợ hơn 1.000 hộ nghèo xây nhà mới

Bù đắp chiều thiếu hụt nhà ở, năm nay, tỉnh Quảng Ngãi đặt chỉ tiêu tối thiểu 1.556 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, trong đó có 1.028 hộ được xây mới.

Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Quảng Ngãi là 11,1%, trong đó có 6,13% là hộ nghèo và 4,97% là hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi là 24,26%, cận nghèo là 12,14%. Năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,58 - 1,6% (tương đương giảm 5.830 hộ), giảm 3.334 hộ cận nghèo.

Theo kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024, tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các huyện miền núi.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quảng Ngãi hiện có 5 huyện miền núi, trong đó có 2 huyện nghèo là Trà Bồng, Sơn Tây. Tỉnh đặt mục tiêu năm nay tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi cần giảm 6 - 7% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Về chiều thiếu hụt nhà ở, năm nay, tỉnh đặt chỉ tiêu tối thiểu 1.556 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Trong số này, 1.028 hộ được xây mới, 528 hộ được sửa chữa nhà ở.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Ngãi có 21.138 hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt 2 chỉ số (chất lượng, diện tích) về nhà ở. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 7.000 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, gần 4.300 nhà ở được hỗ trợ từ nguồn vốn các chương trình MTQG, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Để xây mới, sửa chữa nhà ở cho người dân nghèo, cận nghèo, tỉnh Quảng Ngãi bố trí hơn 61,1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, trong đó có 51,67 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, vận động từ các nguồn khác là hơn 1,68 tỷ đồng. Số còn lại là ngân sách đối ứng của cấp tỉnh, huyện, xã...

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn vận động, năm nay, nhiều hộ dân nghèo ở tỉnh miền Trung thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, bão lụt này đã được dọn sang căn nhà khang trang, kiên cố.

Anh Hồ Ngọc Nam, ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, vừa được chuyển sang ngôi nhà mới vẫn còn mùi thơm của xi măng, sơn mới. Đây là căn nhà mơ ước bấy lâu, thay thế cho ngôi nhà tạm bợ trước đây của vợ chồng anh. Tổng cộng anh được hỗ trợ 46 triệu đồng từ vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ đây, gia đình anh có thêm nguồn kinh phí, thêm động lực để xây nhà, ổn định chỗ ở. Trong căn nhà mới kiên cố, anh nói có nhà vững chãi, có chỗ đi ra đi vào, vợ chồng anh sẽ nỗ lực làm ăn vươn lên.

Đời sống người dân các huyện nghèo tại Quảng Ngãi được nâng lên nhờ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo.

Đời sống người dân các huyện nghèo tại Quảng Ngãi được nâng lên nhờ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo.

Tại huyện Sơn Tây, thực hiện Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2024, huyện đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 443 hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.

Một trong các hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở là hộ anh Đinh Văn Trâm, ở thôn Ka Năng, xã Sơn Tinh. Cũng như hộ anh Nam trên đây, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 46 triệu đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Anh coi nguồn hỗ trợ này vừa là trợ lực, vừa là nguồn động viên lớn lao để anh biến ước mơ xây dựng ngôi nhà mới thành hiện thực, tìm cách vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện Sơn Tây đã cấp kinh phí và đôn đốc người dân tập trung hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhà ở, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành, tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; vốn tín dụng ưu đãi...

Trong giải pháp thực hiện, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG, các chính sách giảm nghèo nói chung với các dự án, nội dung thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Thực tế, từ nguồn hỗ trợ của cộng đồng, các nhà hảo tâm đồng hành cùng ngân sách Nhà nước trong chăm lo mái ấm an cư cho người nghèo, nhiều hộ gia đình đã có được căn nhà kiên cố. Cuối tháng 9/2024, sau gần 4 tháng thi công, gia đình ông Lâm Công Dũng, là hộ nghèo ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn, đã dọn vào ở ngôi nhà mới.

Trước đó, ông Dũng và 5 người con phải sống trong căn nhà tạm xây dựng từ hàng chục năm trước, luôn có nguy cơ đổ sập mỗi mùa mưa bão, có những lần gia đình phải đi tránh trú nơi khác. Căn nhà mới được dựng lên nhờ nguồn hỗ trợ của một ngân hàng và kinh phí gia đình đóng góp. Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn hỗ trợ ngày công.

Việc các hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở kiên cố được đánh giá góp phần rất lớn trong thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo của tỉnh Quảng Ngãi vào cuối năm 2024.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quang-ngai-dat-chi-tieu-nam-2024-ho-tro-hon-1-000-ho-ngheo-xay-nha-o-moi-2333702.html