Quảng Ngãi: Hơn 400ha keo chết chưa rõ nguyên nhân
Thời gian gần đây, hơn 422ha keo từ 1 - 3 năm tuổi của người dân Quảng Ngãi 'chết dần chết mòn' chưa rõ nguyên nhân khiến người trồng điêu đứng.
Xuất hiện nấm rồi thân cây gãy ngang
Tại khu vực miền Trung, Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng keo tương đối lớn với trên 225.000ha, phục vụ cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu với sản lượng khoảng hơn 2 triệu m3 mỗi năm. Cây keo được trồng tập trung ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ… Những năm qua, loài cây này được đánh giá đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, thiên tai, bão lũ cùng với dịch bệnh đã khiến cho diện tích lớn trồng keo ở tỉnh này bị thiệt hại, một số nông dân khốn đốn.
Đến năm nay, dịch bệnh tiếp tục xuất hiện và lây lan nhanh khiến người trồng keo điêu đứng. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 422ha cây keo bị bệnh, giai đoạn cây từ 1 - 3 tuổi, tỷ lệ chết cây có nơi lên đến 40%.
Bà Phạm Thị Se (ngụ xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa) cho biết, cơn bão cuối 2020 quật ngã 1,5ha trồng keo của gia đình bị gãy, ngã đổ toàn bộ. Đến giữa 2021, bà Se đầu tư gần 50 triệu đồng để trồng lại keo trên diện tích này, nhưng cách đây chừng 1 tháng, rẫy keo của bà Se xuất hiện cây chết khô, gãy ngang thân rồi sau đó lây lan trên diện rộng.
“Mới đầu chỉ có vài cây, nhưng đến nay rẫy keo nhà tôi đã bị chết đến trên 50%. Do keo mới chỉ được hơn 2 năm tuổi nên không thể thu hoạch bán mà chỉ chặt làm củi. Số cây nhỏ hơn phải vứt bỏ. Không chỉ nhà tôi mà nhiều vườn keo gần đây cũng gặp phải tình trạng tương tự. Mong các cơ quan chuyên môn sớm tìm hiểu, xác định nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp xử lý. Nếu kéo dài, keo tiếp tục chết, bà con sẽ mất trắng”, bà Se nói.
Một số huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra hiện tượng trên. Tại xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành), có khoảng trên 1.300ha trồng keo, nhưng gần 20% diện tích bị chết, gãy ngang thân.
Theo các hộ dân trồng keo, đa phần keo bị nhiễm bệnh rồi chết đang ở độ tuổi từ 1 - 2 năm. Những diện tích từ 3 năm tuổi trở lên ít bị hơn. Biểu hiện chung ban đầu, giữa phần thân cây xuất hiện các đám nấm màu trắng, lá vàng héo dần. Đến khoảng 1 tuần sau cây chết khô, gãy ngang vị trí bị nấm. Đến nay, do chưa có giải pháp trị bệnh nên diện tích keo chết ngày càng tăng. Nhiều gia đình phải khai thác keo non bị bệnh để bán nhằm giảm thiệt hại kinh tế.
Ông Phạm Văn Thếch, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn thông tin, tại địa phương, đời sống nhiều người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây keo. Toàn xã có khoảng 1.200ha trồng keo, trong đó có 300ha keo từ 2 năm tuổi trở xuống. Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có 12ha cây keo của bà con bị chết. Tuy diện tích keo chết không đồng loạt mà phân bổ rải rác, nhưng tình trạng này cũng khiến người dân lo lắng vì nguy cơ có thể lây lan.
Đã lấy mẫu gửi giám định chờ kết quả
Tại huyện Sơn Hà, diện tích keo chết nhiều đến mức đáng lo ngại. Ông Đinh Văn Chi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cả 14 xã, thị trấn của huyện đều có diện tích keo bị nhiễm bệnh và chết. “Tổng hợp báo cáo sơ bộ ban đầu của các xã, thị trấn, toàn huyện có đến 1.074ha keo bị nhiễm bệnh. Tới đây chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại nhằm có con số chính xác, thực tế nhất để báo cáo lên UBND huyện cũng như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh”, ông Chi nói.
Qua tìm hiểu, tình trạng cây keo chết hàng loạt, tăng đột biến tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi từ hơn tháng nay. Đây được xem là loại cây “xóa nghèo” ở Quảng Ngãi nên một số người dân đang đắn đo trong việc có nên tiếp tục trồng nữa hay không. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi thống kê từ các địa phương cho thấy, đã có nhiều ha keo ở các xã Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa (TX Đức Phổ) và TP Quảng Ngãi bị nhiễm bệnh và chết bất thường. Đến thời điểm này, đơn vị vẫn đang trong quá trình tổng rà soát lại để nắm tổng số diện tích cây bị nhiễm bệnh và chết chính xác. Chi cục cũng đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung lấy mẫu gửi giám định chờ kết quả.
“Do chưa xác định được nguyên nhân nên để phòng trừ bệnh, trước mắt bà con cần thực hiện các giải pháp thủ công: Chặt, thu gom những cây bị bệnh đem ra ngoài tiêu hủy; không tận thu, vận chuyển qua những nơi khác nhằm hạn chế lây lan; dùng vôi bột rải vào các vị trí cây bị bệnh để xử lý mầm bệnh. Đồng thời khơi thông mương rãnh, tránh tình trạng ngập úng nước sau mưa để hạn chế mầm bệnh phát tán. Về vấn đề trồng mới, cần tuân thủ đúng mật độ trồng, chọn cây keo giống rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn của Sở NN&PTNT”, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói.