Quảng Ninh đã có lộ trình dừng khai thác than lộ thiên tại Hạ Long và di dời 2 nhà máy xi măng tại Hoành Bồ
Theo Báo cáo số 366/BC-BCSĐ, ngày 22/7 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, lộ trình đóng cửa mỏ, kết thúc khai thác than lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long đã được đưa ra. Đồng thời cũng đề xuất đưa 02 dự án Nhà máy xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng Hạ Long 2 ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.
Bắt đầu dừng khai thác than lộ thiên từ năm 2019 và kết thúc vào năm 2025
Theo danh mục dự án đầu tư khai thác các mỏ than lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long được nêu tại Quy hoạch 403, đến năm 2020, trên địa bàn thành phố Hạ Long có 09 dự án khai thác than lộ thiên. Giai đoạn 2021-2030 không quy hoạch, đầu tư xây dựng mới các dự án khia thác than lộ thiên.
Như vậy, với 9 dự án khai thác than lộ thiện đang hoạt động thì quy mô diện tích nằm trong khoảng 2.815 ha (chưa bao gồm các phần diện tích đổ thải và các công trình phụ trợ), có tổng quy mô công suất theo quy hoạch là 14.100 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, 6 trong 9 dự án này đã được cấp phép khai thác nhưng đều đạt công suất thực tế thấp hơn so với công suất được nêu trong quy hoạch 403 và trong giấy phép khai thác…
Mặt khác, để đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình kết thúc khai thác đã xác định trong Quy hoạch 403, trong Quyết định 702/QĐ-TT ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Thường trực tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến về lộ trình kết thúc các dự án khai thác than lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Theo đó, đến hết năm 2019 sẽ kết thúc khai thác đối với 4 dự án gồm: Dự án đầu tư phát triển mỏ Hà Tu, Dự án mở rộng và khai thác lộ thiên tối đa mỏ than Núi Béo, Dự án mở rộng khai thác lộ thiên mỏ than Núi Béo, Dự án cải tạo mở rộng khai thác lộ thiên khu II vỉa 11 của Công ty than Hà Lầm.
Khai trường mỏ than Hà Tu. Ảnh: Nguồn Công ty CP Than Hà Tu.
Đến hết năm 2020, sẽ kết thúc khai thác đối với Dự án khai thác than lộ thiên vỉa 13, 16 của mỏ than Hà Ráng.
Đến hết năm 2021, kết thúc khai thác đối với Dự án khai thác than lộ thiên khu Khe Hùm, Bù Lù của mỏ Tân Lập. Kể từ năm 2022, Tổng công ty Đông Bắc chỉ được phép khai thác sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền về đầu tư chấp thuận điều chỉnh thời gian khai thác.
Đến hết năm 2022, kết thúc khai thác đối với Dự án mở rộng khai thác than lộ thiên mỏ Suối Lại.
Đến hết năm 2023, đến lượt Dự án khai thác lộ thiên trụ bảo vệ mặt bằng +48 khu Bắc Bàng Danh phải kết thúc khai thác.
Cuối cùng, đến hết năm 2025, Dự án khai thác lộ thiên khu Bắc Bàng Danh của mỏ Hà Tu phải dừng khai thác. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ được phép khai thác sau khi được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền về đầu tư chấp thuận điều chỉnh thời gian khai thác.
Đây sẽ là cơ sở để báo cáo HĐND tỉnh khóa XIII thảo thuận và thông qua Nghị quyết chung tại Kỳ họp thứ 13 tới đây về lộ trình kết thúc các dự án khai thác than lộ thiên trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Đưa 2 nhà máy xi măng ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam
Tại báo cáo số 1870/SXD-KT&VLXD ngày 29/5/2019 của sở Xây dựng đã nêu rõ: “Không gian thành phố Hạ Long sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc thành phố Hạ Long (huyện Hoành Bồ); mở rộng phạm vi ranh giới nghiên cứu gián tiếp gồm 4 xã phía Nam huyện Hoành Bồ; từng bước chuyển đổi và di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm trong khu vực phát triển đô thị là Nhà máy vôi Hương Hải, Nhà máy Xi măng Hạ Long, Nhà máy Xi măng Thăng Long; dừng hoạt động trước năm 2030; dừng việc mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có và di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch lên phía Bắc đường cao tốc”.
Đồng thời, trên thực tế, trong thời gian qua, hoạt động của các Nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và 2 nhà máy xi măng là Thăng Long 2, Hạ Long 2 đã có những ảnh hưởng lớn đến an toàn, môi trường sinh thái, đời sống người dân trong khu vực. Trong khi đó, việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và với tỉnh của 2 nhà máy xi măng này không đáng kế.
Nhà máy xi măng Thăng Long xả khói bụi trong một lần được cho là gặp sự cố. Ảnh: CTV.
Do đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất về chủ trương báo cáo Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh Dự án Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long 2 và Dự án Nhà máy sản xuất xi măng Hạ Long 2 ra khỏi Quy hoạch, khi xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì một số khó khăn vướng mắc. Bởi về căn cứ pháp lý thì cả 2 dự án trên đã được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chấp thuận và cho phép triển khai thực hiện. Trên thực tế, chủ đầu tư đã bỏ kinh phí để triển khai xây dựng một số hạng mục với tổng vốn là gần 1.500 tỷ đồng.
Trước mắt, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất đề nghị Thường trực Tỉnh ủy xem xét đồng ý về chủ trương đối với 2 nội dung. Một là Báo cáo Bộ Xây dựng đề xuất đưa 2 dự án là Nhà máy xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy xi măng Hạ Long 2 tại huyện Hoành Bồ ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Hai là cho phép UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan làm việc trực tiếp với 2 nhà đầu tư của 2 dự án để thống nhất về các vấn đề liên quan trước khi báo cáo Bộ Xây dựng.