Quảng Ninh: Ngôi đền Đá Trắng thờ thượng tiên đạo giáo – nét đặc sắc duy nhất ở Việt Nam

Hạ Long (Quảng Ninh) có một ngôi đền cổ dưới chân núi Mằn, đó là đền Đá Trắng. Du khách gần xa ùn ùn kéo về dâng hương, khấn nguyện, nhưng trầm tích văn hóa ngôi đền thờ thượng tiên đạo giáo và thực tế địa lý, sinh cảnh ở đây thì nhiều người còn chưa biết.

Đền Bạch Thạch thờ thượng tiên đạo giáo - nét đặc sắc duy nhất Việt Nam.

Đền Bạch Thạch thờ thượng tiên đạo giáo - nét đặc sắc duy nhất Việt Nam.

Về ngôi đền, người địa phương mộc mạc gọi là đền Đá Trắng, còn tên chữ là Bạch Thạch linh từ. Công trình tín ngưỡng xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đậm đà nét văn hóa tôn giáo đạo mẫu và gắn với sự tích núi Mằn. Trong cung cấm ngôi đền phụng thờ vị chính thần thượng cổ trấn giữ Bạch ngọc kinh trên trời và là chính thần của núi Mằn được tạc tượng bằng đá trắng nguyên khối nặng trên 1 tấn. Tôn hiệu Thiên cung Thượng tiên, Mằn Sơn lão mẫu, Bạch ngọc nương nương. Pho tượng trang phục cổ, ngự trên ngai rồng, ngồi thế song thất, nét mặt từ bi, trang nghiêm, thanh tịnh. Người đến dâng hương trong lòng trắc ẩn, như gặp được thánh hiền phổ độ, cứu nhân và một không gian tĩnh mịch, một tiểu vùng khí hậu giữa trưa hè mà như tiết thu se lạnh thêm cảm giác linh thiêng, tiếng lành càng đồn xa. Núi Mằn là một quả núi lớn trong dãy núi đá vôi (thuộc thôn Đá trắng, xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long) vùng thượng nguồn vịnh Cửa Lục. Núi Mằn được các nhà địa chất học xác định là quả núi song sinh với núi Bài Thơ (ở phường Hồng Gai, cùng thành phố Hạ Long) chúng được hình thành trong thời kỳ địa chất thứ II. Núi Mằn tên cũ là núi Bân, núi Bài Thơ tên cũ là núi Truyền Đăng.

Tả hữu chân núi Mằn có hai dòng sông, sông này gọi là sông Mằn, sông kia gọi là sông Lưỡng Kỳ (giới phong thủy gọi là lưỡng rồng chầu nguyệt). Đoạn hai dòng sông nhập một, gọi chung là sông Đá Trắng nước đổ ra cửa bến Gạo Rang. Suối rừng đoạn ghềnh thác dưới chân núi Mằn nước mùa đông thì ấm, mùa hè thị mát. Nước sông và độ ẩm của đá núi toát ra kéo theo độ chênh khí hậu, nhiệt độ chân núi Mằn trưa hè thường chênh lệch với trung tâm thành phố Hạ Long từ 2-3 độ C.

Núi Mằn có khí hậu khá đa dạng nên hệ sinh thái ở đây cũng khá phong phú. Ví dụ, ở vùng Hoành Bồ (cũ) nhiều nơi có đặc sản khoai sọ, nhưng cùng giống ấy trồng ở đồng đất Đá Trắng thì thơm ngon hơn hẳn. Quảng Ninh và tả ngạn sông Hồng có giống cua lông còn gọi là cua Cà Ra, chúng sinh sôi ở sông giáp biển. Vùng cửa biển suối rừng đổ ra như ở sông Ba Chẽ, sông Cầm Quảng Ninh thì nhiều hơn nhưng Cà Ra ở sông Mằn có khác, nhiều bài báo về ẩm thực vinh danh thương hiệu. Dân địa phương bảo của ngon ấy là lộc của Bạch Thạch Thượng Tiên ban.

Còn tích bến Gạo Rang, một bến nước dưới hạ lưu sông Mằn mà đền Bạch Thạch gối sơn quan thủy. Chính sử, bến Gạo Rang và Bến Đồng là cảng biển trong vịnh Cửa Lục, nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn có từ thời nhà Lý. Chính vì thế, đền Bạch Thạch nhiều khả năng khởi dựng cùng với chùa Trăm Gian, tháp 14 tầng ở Cống Đông (xã Thắng Lợi, Vân Đồn xã này từng cùng thuộc huyện Hoành Bồ), âu tầu sầm uất của thương cảng Vân Đồn ngay từ thời nhà Lý hưng thịnh.

Đền Bạch Thạch có nhiều thông tin nêu được xây dựng vào thời nhà Trần nhưng cũng chỉ là truyền thuyết, thần tích - thần sắc thất truyền, dựa vào tích bến Gạo Rang trong hệ thống thương cảng Vân Đồn và chính sử thế kỷ XI nhà Lý đã dựng phòng tuyến chống giặc phương Bắc ở đây; nhà Trần lập đàn tế thần núi Mằn trước khi phục binh thủy chiến chống quân Nguyên Mông, trận Lục Thủy - Vân Đồn (1285-1288) tráng ca, thì đền Bạch Thạch cũng có thể được khởi dựng từ thời nhà Lý hoặc đầu nhà Trần. Ban đầu chỉ là am cỏ nhỏ, do các thương thuyền phát tâm lập lên, tín ngưỡng cầu an mỗi chuyến viễn dương.

Bắc Cửa Lục vùng đất hiểm yếu, nay vẫn còn di tích thành nhà Mạc; thời cách mạng nơi này từng là căn cứ địa chống Pháp và một thời gian dài Bộ Tư lệnh quân khu Đông Bắc kiêm Hải quân lập sở chỉ huy chiến đấu ở đây. Hang Cảnh Tiên trong dẫy núi đá vôi này, người địa phương vẫn quen miệng gọi là hang ông Đoàn Phụng, tên ông Đại tá Chính ủy Quân khu ngày ấy.

Xa hơn nữa, huyền thoại về vịnh Cửa Lục là dấu chân ông khổng lồ gánh đá vá trời. Thần thoại, ông khổng lồ đang gánh đá vá trời không may đứt gánh, hai quẩy đá trên vai rơi xuống đất. Quẩy bên này là núi Bài Thơ, quẩy bên kia là núi Mằn. Đất lành trời cho quốc bảo, núi Mằn hiển linh trấn trạch vùng Đông Bắc, đại huyệt mạch của sơn hệ - vòng cung Đông Triều. Sách Đồng Khánh dư địa chí, trang 406 đã tôn danh núi Mằn. Còn núi Bài Thơ thì án sơn cửa Giữa (một cửa biển lớn vịnh Hạ Long). Cặp núi đôi phong thủy, tâm linh, hiện cùng là Di tích quốc gia.

Còn dấu chân người khổng lồ, ai đã từng đến đỉnh núi Thiên Sơn cao 1.096m, ở xã Vũ Oai, cùng lưu vực vịnh Cửa Lục, từ trên cao khoanh một hình tròn lưỡng nghi dưới thung lũng thì núi Mằn là điểm cao nhất trên 300m, vịnh Cửa Lục là nơi thấp nhất dưới mực nước biển 17m. Vịnh Cửa Lục đất trũng rộng 18km2, nước cả nom giống bàn chân người in trên đất ẩm. Năm ngón chân là năm con sông: Giáp Khẩu, Diễn Vọng, Đá Trắng, Bút Xê và sông Trới.

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên giữa huyền thoại và hiện thực, tỉnh Quảng Ninh mới đây quy hoạch vịnh Cửa Lục là trung tâm kết nối đô thị thông minh, hành lang kinh tế động lực ven biển đã và đang xây dựng 5 cây cầu vượt vịnh Cửa Lục, tương ứng với 5 dòng sông hình ngón chân người. Quá giang cửa Lục vốn đã có là cầu Bút Xê, cầu Bang; nay xây dựng thêm cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 2, Cửa Lục 3.

Cửa Lục có vị trí đắc địa, thủa trước 5 con sông trên bến dưới thuyền nối rừng với biển. Nay nhịp sống công nghiệp, 5 con đường bộ chất lượng cao từ 6-10 làn xe thông thương nối rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng nơi thượng nguồn Cửa Lục với danh thắng Vịnh Hạ Long. Quảng Ninh quy hoạch Cửa Lục là trung tâm kinh tế đô thị, mũi nhọn là kinh tế du lịch. Du lịch thắng cảnh biển đảo là truyền thống, nay địa phương có thêm sản phầm du sinh thái, du lịch tâm linh.

Quảng Ninh kéo rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng về đô thị làm du lịch. 5 di tích xếp hạng thuộc địa giới huyện Hoành Bồ (cũ) nay đưa về thành phố Hạ Long, là những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc. Trong đó, núi Mằn di tích quốc gia, triều Nguyễn quốc sử đã vinh danh thắng cảnh, sấm trạng truyền “Mằn sơn án hải, vạn đại Đế Vương”.

Đền thờ thần chủ núi Mằn ở sát chân núi, chính điện thờ pho tượng nữ thần tôn hiệu Bạch Ngọc nương nương, Thượng tiên đạo giáo, bằng đá trắng nguyên khối. Đền Bạch Thạch qua nhiều lần trùng tu, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Thờ tự đặc trưng sự hội nhập văn hóa thế kỷ thứ VI tam giáo đồng nguyên, có phối thờ Hội đồng tứ phủ, Ngọc hoàng thượng đế, Tam Thanh và am thờ Phật.

Đền Bạch Thạch là công trình văn hóa tín ngưỡng tôn giáo trong cụm Di tích quốc gia núi Mằn, điểm đến tiêu biểu trong chuỗi du lịch sinh thái tâm linh bên bờ Bắc vịnh Cửa Lục thuộc xã Thống Nhất, Hạ Long. Cung cấm thờ tự có pho tượng nữ thần bằng đá ngọc bạch nguyên khối, là ngài Mằn Sơn lão mẫu, Thượng tiên đạo giáo.

Văn hóa tín ngưỡng ngàn xưa thờ Thượng tiên đạo giáo, nhiều nơi có lập am thờ nhưng chủ yếu là thờ vọng, riêng đền Bạch Thạch chính thần thờ thượng tiên đạo giáo là nét đặc sắc duy nhất ở Việt Nam.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-ninh-ngoi-den-da-trang-tho-thuong-tien-dao-giao-net-dac-sac-duy-nhat-o-viet-nam-295134.html