Quảng Ninh tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 13/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Đây là một hoạt động thường niên của tỉnh Quảng Ninh được tổ chức lần đầu năm 2011, một năm gặp gỡ doanh nghiệp hai lần (giữa năm và cuối năm).

Thông qua hội nghị gặp mặt này, Quảng Ninh tự nhìn lại điều hành kinh tế - xã hội, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư;

Vào cuộc thực chất, hiệu quả với từng khó khăn, vướng mắc với mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã luôn quan tâm, đồng hành và hỗ trợ chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đây chính là sự thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra các cơ hội mới cho phát triển; chú trọng tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”.

Mặt khác, tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh Quảng Ninh nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế; trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển để xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương, nhất là thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, đồng hành.

Quảng Ninh là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đạt mức tăng trưởng 10,28% (đứng thứ 2 cả nước), giữ vững đà tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn hai con số trong 6 năm liên tiếp 2016 - 2021.

Năm 2022 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của phía Bắc.

Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực nhà nước và khai thác tối đa nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược.

Đặc biệt, Quảng Ninh thực hiện phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả”, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”; "kiên trì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc".

Quảng Ninh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; củng cố niềm tin vào thị trường cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.

Đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, năng lực, cạnh tranh làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.

Tính đến tháng 5/2022, Quảng Ninh thu hút được trên 18.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với số vốn đăng ký trên 306.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/1 doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách năm 2021 đạt 15.308 tỷ đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh khả quan sau đại dịch, 4 tháng đầu năm có thêm 793 đơn vị thành lập mới; số vốn đăng ký là 9.696 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ; có 590 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25% so cùng kỳ./.

Văn Đức/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quang-ninh-to-chuc-gap-mat-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep/243742.html