Quảng Trị: Kiến nghị xử lý sai phạm trong phòng, chống dịch Covid-19
Theo Kết luận thanh tra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quy trình mua sắm và thanh toán kinh phí phòng, chống dịch. Trong đó, Thanh tra tỉnh Quảng Nghị kiến nghị, đề xuất Sở Y tế kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các sai phạm.
Ngày 16/6, Thanh tra tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Kết luận thanh tra "Chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid 19 giai đoạn 2020-2021". Theo đó, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch từ 1/1/2020 đến 31/12/2021.
Nhiều gói thầu vi phạm
Theo Kết luận thanh tra, các đơn vị y tế đã thực hiện quy trình mua sắm cơ bản đảm bảo quy định, kịp thời mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít test xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, các địa phương, sở, ban, ngành toàn tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, do dịch bệnh cấp bách, để kịp thời hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, các cơ quan, đơn vị sở, ban, ngành đã thực hiện quy trình mua sắm và thanh toán kinh phí phòng, chống dịch còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, theo Kết luận thanh tra, hầu hết các gói thầu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục mua sắm theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC. Thậm chí, một số gói thầu không có thẩm định giá của cơ quan có thẩm quyền.
Nhằm thẩm định giá mua sắm vật tư, y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế và CDC Quảng Trị đã tiến hành ký hợp đồng với Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE – chi nhánh Đà Nẵng tiến hành thẩm định giá để làm căn cứ cho việc xác định giá tối đa của từng loại hàng hóa và giá các gói thầu của từng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, trong chứng thư thẩm định giá vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
Trong quá trình trình, thẩm định và phê duyệt lựa chọn kết quả lựa chọn nhà thầu (KHLCNT), dù một số chứng thư thẩm định nêu điều kiện hạn chế là chỉ dùng vào mục đích đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh (không dùng cho mục đích chỉ định thầu, hoặc đấu thầu hạn chế) nhưng Sở Y tế, CDC Quảng Trị vẫn trình Sở Tài chính thẩm định KHLCNT là chỉ định thầu mà không yêu cầu đơn vị thẩm định giá làm rõ. Đồng thời, vẫn tiến hành thanh lý hợp đồng (HĐ) và thanh toán cho đơn vị thẩm định giá.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ Sở Tài chính, Sở Y tế không lập báo cáo thẩm định KHLCNT đối với hầu hết các gói thầu là chưa phù hợp với quy định. Một số gói thầu yêu cầu các nhà thầu báo giá để làm căn cứ xét giá nhưng không có thư mời yêu cầu báo giá, không có biên bản nhận báo giá.
Bên cạnh đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ một số gói thầu không thực hiện bảo lãnh thực hiện HĐ trước khi HĐ có hiệu lực, chưa thực hiện đúng theo KHLCNT được phê duyệt, không gửi thư mời thương thảo HĐ kèm theo dự thảo HĐ, không tiến hành thanh lý HĐ khi HĐ hết thời hạn..v.v.
Đối với CDC Quảng Trị, trong một số gói thầu chào hàng cạnh tranh đã đề nghị đơn vị thẩm định giá mặt hàng của nhà sản xuất cụ thể (nhãn mác, hãng sản xuất) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đã dẫn đến hạn chế sự tham gia các sản phẩm tương tự, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của các đơn vị y tế như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, TTYT huyện Hải Lăng, TTYT huyện Đakrông, TTYT huyện Gio Linh.
Một số bất thường cần làm rõ
Tại chứng thư thẩm định giá số 5200178 của Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE – Chi nhánh Đà Nẵng ghi: “Tại thời điểm thẩm định giá, CDC Quảng Trị đang sử dụng máy RT-PCR CFX96 Bio-Rad, chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á nên tài sản thẩm định hạn chế về thông tin thị trường”. CDC Quảng Trị giải trình máy RT-PCR trên chỉ chạy được bộ kit của hãng Việt Á. Thế nhưng, Thanh tra tỉnh Quảng Trị cho rằng, chưa có tài liệu nào để khẳng định máy RT-PCT trên chỉ chạy được với bộ kit của hãng Việt Á.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh đã xác định CDC Quảng Trị đã để sinh phẩm hết hạn mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền, xây dựng kế hoạch mua sắm tháng 1/2021 với mức giá cao hơn các gói mua thành công năm 2020. Cụ thể, báo cáo sinh phẩm xét nghiệm tồn ngày 19/1/2021 của CDC Quảng Trị ghi: Việt Á còn 400, Alibaba còn 2.460 niêm phong do hết hạn sử dụng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, việc một số chứng thư thẩm định giá không có báo cáo thẩm định giá kèm theo chưa phù hợp. Thậm chí, gói thầu mua sắm 1 máy siêu âm 3 đầu dò thì có 3 công ty báo giá phục vụ thẩm định giá nhưng có đến 2 Công ty không có thông tin trên hệ thống cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đối với công tác quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cũng bộc lộ các tồn tại và kể cả sai phạm. Trong đó, một số hồ sơ thanh toán phụ cấp, tiền ăn cho cán bộ phục vụ khu cách ly chưa đảm bảo, một số trường hợp nhận thay chế độ. Thậm chí, một số cá nhân được thanh toán chế độ theo Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 16 của Chính phủ mà không có tên trong Quyết định điều động lực lượng tham gia chống dịch.
Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở KH&ĐT tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu thầu trên địa bàn tỉnh để tổ chực thực hiện công tác đấu thầu thống nhất, đúng phân công phân cấp, có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thanh tra tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị Sở Y tế kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan thuộc phạm vi quản lý khi để xảy ra các tồn tại, hạn chế. CDC Quảng Trị báo cáo Sở Y tế để báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo nội dung chứng thư thẩm định giá số 5200178 cũng như xem xét vấn đề để sinh phẩm xét nghiệm hết hạn.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh Quảng Trị kiến nghị, đề xuất thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 437 triệu đồng (hơn 309 triệu đồng thanh toán không phù hợp tại Ban chỉ huy quân sự huyện Hướng Hóa, CDC Quảng Trị và hơn 128 triệu đồng còn tồn quỹ chi chống dịch tại Ban quản lý cảng cá) ngay sau khi có Quyết định của Chánh thanh tra.