Quay cuồng trong vòng xoáy 'tín dụng đen' (Bài 3: 'Tín dụng đen' vây nông dân nghèo)

Không chỉ hoành hành ở khu vực đô thị, nhiều năm qua 'tín dụng đen' đã vươn vòi đến cả vùng cao, vùng sâu. Tại các tỉnh Tây Nguyên, bức tranh ngột ngạt về kinh tế do vay nặng lãi cũng được phóng viên ghi lại được trong chuyến công tác đầu năm 2020 mới đây...

Không chỉ hoành hành ở khu vực đô thị, nhiều năm qua “tín dụng đen” đã vươn vòi đến cả vùng cao, vùng sâu. Tại các tỉnh Tây Nguyên, bức tranh ngột ngạt về kinh tế do vay nặng lãi cũng được phóng viên ghi lại được trong chuyến công tác đầu năm 2020 mới đây...

Ông Ksor Du đang khốn đốn vì lâm vào vay lãi cao.

Ông Ksor Du đang khốn đốn vì lâm vào vay lãi cao.

Chiều muộn ngồi trên chiếc công nông chở sắn về nhà, khuôn mặt ông Siu Chbai (trú xã Chư Kdăm, H. Ia Pa, Gia Lai) buồn rũ rượi. Dù vụ sắn năm nay vừa thu hoạch đạt hơn 50 tấn bán được hơn 20 triệu đồng nhưng gia đình ông cầm chưa ấm tay đã phải đem trả lãi vay tư nhân. Gia đình ông Siu Chbai đã cố hết sức nhưng mức lãi 5%/tháng, tức 60%/năm khiến ông đêm ngày như ngồi trên đống lửa. “Thời điểm họ giao tiền mặt chỉ 20 triệu đồng thôi. Nhưng bữa nay cộng dồn lại đã hơn 100 triệu đồng rồi. Năm nào mình cũng trả, trả liên tục nhưng trả không hết lãi, mình không chịu nổi nữa rồi”, ông ChBai bùi ngùi.

Hoặc như trường hợp ông Nay Chruy (dân tộc Gia Rai, trú buôn Mlah, xã Phú Cần), từng vay lãi cao của một phụ nữ tên Dũng (chủ đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp) để canh tác rẫy sắn, bắp. Thỏa thuận ban đầu, ông Nay Chruy phải trả lãi suất cho bà Dũng 3%/tháng, cùng với cam kết bán toàn bộ nông sản trên rẫy cho bà Dũng. Dù biết lãi cao, nhưng do thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần ký sổ là có tiền ngay nên ông đồng ý. “Tôi vay của bà Dũng, chỉ cần ký vào cuốn sổ ghi nợ là xong, chứ không như đi vay của ngân hàng, thủ tục khó hơn mà số tiền được ít. Nhưng sau một năm nghiệm lại, số tiền lãi suất tới hơn 40%, vì vậy tôi làm chỉ đủ trả nợ thôi”, ông Chruy nói.

Từ câu chuyện của ông Chruy, chúng tôi tìm gặp bà Dũng ở thị trấn Phú Túc (H. Krông Pa), bà khẳng định, ở thị trấn, vô số người cũng cho vay như bà, thủ tục cho vay cũng đơn giản “vô đối”, và lãi suất thấp nhất cũng 3%/tháng. Theo bà, lãi suất 3%/tháng là bình thường, người dân ai cũng chấp nhận vay vì tính ra vay 1 triệu mỗi tháng chỉ trả 30 ngàn đồng lãi. “Tại ngôi làng Mlah này có cả trăm hộ cho vay. Mình chẳng biết lãi suất họ tính có hơn mình không, vì làm ăn thì người nào biết người đó”, bà Dũng cho hay.

Có một thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây các ngân hàng được mở rộng nhanh chóng ở khu vực Tây Nguyên, nhưng thực trạng nông dân phải vay vốn ngoài với lãi suất cao vẫn phổ biến, bình quân 36%/năm, cao lên đến hơn 70%. Chỉ tính riêng Ia Pa (Gia Lai), hiện người dân nơi đây đang mang nợ tư nhân ít nhất trên 70 tỷ đồng. Điều đáng nói là nợ gốc chỉ 18 tỷ đồng, còn lại là lãi. Đối tượng mắc nợ chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, nhiều hộ không còn khả năng trả nợ, nên hệ lụy xã hội của tình trạng này kéo theo rất phức tạp. Để cứu cánh cho bà con, UBND huyện và Ngân hàng chính sách đang rà soát lại những hộ trước kia đã vay. Nếu ai đã vay rồi thì vẫn tiếp tục cho vay sản xuất trực tiếp nhưng không đưa tiền mặt nữa mà hỗ trợ giống, phương tiện sản xuất. Sau đó thu hoạch thì ngân hàng thu hồi vốn, chứ bà con vay lãi suất cao ở ngoài ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất.

Vay lãi cao không chỉ diễn ra ở các huyện khó khăn như Krông Pa, Ia Pa (Gia Lai), nơi hệ thống ngân hàng chưa phát triển, mà ở nơi đã mở rất nhiều chi nhánh ngân hàng cũng là “thánh địa” của người cho vay lãi “bợ” tiền dân nghèo. Ông K., chủ nợ thuộc diện lớn nhất xã Ea Ô, H. Ea Kar (Đăk Lăk) cho rằng, ở xã vẫn có nhiều người sử dụng gói vay nóng, lãi suất tới 1%/ngày, dù gần khu vực có vô số chi nhánh ngân hàng thương mại.

“Chi nhánh ngân hàng nhiều, nhưng người dân không thể bước chân vào vì vướng thủ tục, đành chấp nhận vay lãi ngoài. Vay của tư thương họ chỉ cần sổ hưu, giấy tờ nhà hoặc viết giấy nợ và cam kết trả gốc và lãi là có tiền ngay. Thế nên, nhiều người chấp nhận vay 10 triệu đồng, một ngày tiền lãi 100 nghìn đồng, còn đi vay ngân hàng lãi thấp nhưng thủ tục lâu, đủ thứ ràng buộc”, ông K. nói.

 Cuộc sống người dân Tây Nguyên nhiều nơi khốn đốn vì tín dụng đen.

Cuộc sống người dân Tây Nguyên nhiều nơi khốn đốn vì tín dụng đen.

Theo người dân, tư nhân cho vay thủ tục đơn giản nhưng tiềm ẩn cả nguy cơ bị người cho vay tiền lừa đảo, phải gán nợ bằng chính diện tích đất rẫy thế chấp. Chị Ksor Pyar, một trong số 5 nạn nhân ở làng Kte 2, xã Hbông (H. Ea Kar) cho biết, do quá tin vào chủ nợ, bà con hoàn toàn không ngờ đến việc mình bị lừa. “Khi cho vay chủ nợ nói 2 vợ chồng đi công chứng, ký tên. Tôi không biết ký nên người ta nói tôi lăn tay. Xong việc về nhà họ đưa cho tôi 65 triệu đồng. Sau này tôi mới biết, mình lăn tay như vậy là mình bán đất rồi”, chị Ksor Pyar ngậm ngùi.

Ngoài số tư thương cho vay, hiện tại hoạt động của các Cty tài chính cũng đang “sốt” ở vùng cao nguyên này. Kéo theo đó, hàng ngàn điểm giới thiệu dịch vụ tài chính đã được mở, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thuyết phục người dân sử dụng gói hỗ trợ tài chính mua hàng trả góp với lãi suất 1,66%, cộng thêm tiền bảo hiểm là gần 2%. Trên thực tế, mức lãi ấy được tính bằng thủ thuật rất nhà nghề, còn thực chất lên tới hơn 50%/năm.

Hoạt động cho vay lãi cao đang sinh sôi, như những tấm lưới giăng rộng, bủa vây dân nghèo ở Tây Nguyên. Tấm lưới này chỉ có thể bị vô hiệu hóa khi người dân thuận lợi đến được với ngân hàng, nhưng đó chỉ là ước mơ...

Phóng sự: CÔNG HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_222974_quay-cuong-trong-vong-xoay-tin-dung-den-bai-3-tin-dung-den-vay-nong-dan-ngheo-.aspx