Quốc hội Anh rơi vào trạng thái 'treo'

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bước đi đầy mạo hiểm khi đề xuất Nữ hoàng Elizabeth II hoãn lịch làm việc của Quốc hội tới ngày 14/10 thay vì vào đầu tháng 9 như mọi năm nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Brexit không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới. Như vậy, Nghị viện Anh sẽ rơi vào trạng thái 'treo'.

Đa số giới phân tích cho rằng, việc đình chỉ hoạt động của Quốc hội là “chiêu bài” của Thủ tướng Johnson nhằm ngăn cản Quốc hội Anh tranh luận, cũng như các cản trở trong việc thực thi ý định rời EU vào ngày 31/10 mà không có thỏa thuận. Bằng việc "treo" Nghị viện Anh đến ngày 14/10, chính phủ Anh đã thu hẹp nghiêm trọng không gian và thời gian tranh luận của Nghị viện Anh về các bước đi liên quan đến Brexit.

 Một cuộc họp của Quốc hội Anh ở thủ đô London. Ảnh tư liệu

Một cuộc họp của Quốc hội Anh ở thủ đô London. Ảnh tư liệu

Brexit là một sự kiện vô cùng phức tạp và với các diễn biến mới trên chính trường Anh mấy ngày qua thì sự phức tạp này càng lớn hơn. "Quay đầu" cũng dở, "giẫm chân" tại chỗ cũng chẳng xong, ông Boris Johnson chỉ còn con đường duy nhất là tiến lên phía trước dù biết có vô vàn khó khăn đang chờ đợi. Không muốn đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm Therasa May, càng không muốn bị xem là một thủ tướng nhu nhược trước sự lấn át của các nghị sĩ đối lập, ông Boris Johnson quyết định “ra đòn” trước nhằm loại bỏ rào cản từ Quốc hội. May mắn cho ông là đề xuất trên được Nữ hoàng Elizabeth II ủng hộ.

Tuy nhiên, sự đồng thuận trên ngay lập tức trở thành cú sốc lớn trên chính trường Anh. Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow gọi đề xuất của ông Boris Johnson là “vi phạm hiến pháp” nhằm ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia. Còn lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cho rằng, kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia.

Về lý thuyết, đề xuất trên của Thủ tướng Boris Johnson không sai và đó là điều hoàn toàn bình thường khi một lãnh đạo mới đề ra lịch trình bắt đầu làm việc của một kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề gây phản ứng nằm ở chỗ kế hoạch này giảm số ngày làm việc của Hạ viện Anh, vốn có thể dẫn tới một động thái ngăn chặn Brexit không thỏa thuận-kịch bản mà ông Johnson, người luôn đi đầu ủng hộ Brexit, khẳng định sẵn sàng thúc đẩy để Anh ra đi đúng thời hạn 31/10 sau hai lần trì hoãn (29/3/2019 và 30/6/2019).

Cho dù đề xuất hoãn lịch làm việc của Quốc hội đã giúp Thủ tướng Boris Johnson đạt được mục đích của mình, song nó tạo ra một “cuộc so găng quyết liệt” trên chính trường Anh. Chính phủ và Quốc hội vốn đã bất đồng về một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May ký với EU ngày 25/11/2018, thế nên thỏa thuận này cứ trình lên Quốc hội là bị bác bỏ. Cho dù dưới thời ông Boris Johnson, thỏa thuận Brexit đã có những sửa đổi, song vẫn chưa làm hài lòng các nghị sĩ đối lập, đặc biệt là điều khoản “rào chắn”. Do vậy, không ít lời chỉ trích ông Boris Johnson khi cho rằng đề xuất hoãn lịch làm việc của Quốc hội càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng Brexit hiện nay.

Thậm chí, cũng không loại trừ khả năng khi Quốc hội quay trở lại làm việc, Thủ tướng Boris Johnson có thể phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, điều có thể đánh đổi sinh mạng chính trị của chính bản thân ông. Không chỉ chịu sức ép từ bên trong, Thủ tướng Boris Johnson còn gặp khó khăn khi thuyết phục các đối tác trên bàn đàm phán như EU, Ireland để có thể đạt được một Brexit có thỏa thuận, lợi cho cả đôi bên.

Hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016, sau 2 lần trì hoãn Brexit, chính trường nước Anh vẫn như trong “mớ bòng bong”. Những ngày tới đây sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với xứ sở sương mù và không ai dám khẳng định điều gì sẽ xảy ra khi nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới.

Thùy Dương

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/quoc-hoi-anh-roi-vao-trang-thai-treo-74415.html