Quốc hội bàn về đầu tư công, thu chi ngân sách

Hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), TikTok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành.

Ngày 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác...

Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (QH), cho rằng đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực, đầu tư cho y tế để bảo đảm sinh lực, còn rất mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công. "Với mức phân bổ vốn thấp như hiện nay thì các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, những trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không có nguồn vốn để đầu tư cho phát triển" - ông Cường nói.

Từ thực tế trên, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị phải tăng tỉ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho y tế và giáo dục ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu.

Chỉ rõ vấn đề nguyên vật liệu đang là "điểm nghẽn" trong việc triển khai các dự án dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đã dẫn chứng về trường hợp đấu giá một mỏ cát có giá khởi điểm hơn 1 tỉ đồng ở Quảng Nam nhưng qua 200 vòng đấu giá lên đến hơn 370 tỉ đồng. "Giá đất bình thường là 55.000 đồng/m3 mà hiện nay lên đến hơn 200.000 đồng/m3, giá cát quy định của Nhà nước là 120.000 đồng/m3 thì bây giờ nếu đấu giá là lên đến 2,3 triệu đồng/m3. Như vậy làm sao các nhà thầu có thể làm được, cho nên ách tắc hết tất cả" - ông Hạ khẳng định.

Qua dẫn chứng, ông Hạ cho rằng trong quy định pháp luật có kẽ hở. Theo đó, Luật Đấu thầu quy định khi tham gia đấu thầu chỉ phải nộp hay đặt cọc 20% giá trị của gói thầu nhưng Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ lại quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính của người trúng thầu là 90 ngày, như vậy là quá dài, nên mới có việc lợi dụng đấu giá rồi bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần trục lợi. Những quy định này cần sửa đổi.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhấn mạnh Bộ Tài chính cần có giải pháp thu thuế nhập khẩu với hàng bán qua kênh thương mại điện tử. Việc thu được thuế với hàng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử sẽ giúp ngân sách tránh thất thu và có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ, hạ tầng số để các giao dịch mua bán được thuận lợi hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến về thu thuế nhập khẩu với hàng bán qua kênh thương mại điện tử.Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến về thu thuế nhập khẩu với hàng bán qua kênh thương mại điện tử.Ảnh: Hồ Long

Làm rõ vấn đề ĐBQH vừa nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), TikTok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành. Lũy kế từ tháng 3-2022 đến nay, các doanh nghiệp này đã nộp trên 18.600 tỉ đồng tiền thuế. Với sàn thương mại điện tử trong nước, ngành thuế đang đẩy mạnh quản lý, thu thuế.

"Tuần sau, ngành thuế sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu, mua bán của các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn xuyên biên giới" - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói và cho biết đây là giải pháp chống thất thu thuế.

Đối với việc tiết kiệm chi thường xuyên như chỉ đạo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đồng tình với việc tiết kiệm chi thường xuyên 5% để dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, ông đề nghị ngay từ đầu năm khi làm dự toán, cần trích luôn 5% đó để đưa vào chi đầu tư phát triển, "coi như đã tiết kiệm" để cuối năm hoàn thiện thủ tục, tránh mất nhiều thời gian.

Cũng theo ĐB Nguyễn Trúc Sơn, Chính phủ dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng 10% so với năm 2023. Trong dự toán ngân sách 2025, Chính phủ tính toán tăng thu thêm 5% so với năm 2024. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất - kinh doanh và góp phần tăng thu ngân sách. Ông Sơn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

l Ngày 6-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu.

Theo ĐB Lê Quân (Hà Nội), các trường đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thầy cô, nhà khoa học đông đảo, có khối tài sản công rất lớn, chỉ còn thiếu cơ chế để vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn.

Do đó, ông Lê Quân đề nghị pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục. ĐB Lê Quân nhấn mạnh thời gian tới, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng giúp đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học.

Kiến nghị giữ đề xuất cấp tướng nghỉ hưu khi 60 tuổi

Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi thay vì 60 như dự thảo.

Theo ĐB Thắng, việc này nhằm bảo đảm thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, bảo đảm trọng dụng nhân tài và tương quan giữa hai lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân. Đồng thời, cũng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật Lao động hiện hành...

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến ĐB nêu, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo cũng bàn bạc nhiều về vấn đề này. Theo đó, nếu kéo dài độ tuổi cấp tướng lên 62 tuổi, trong khi cấp đại tá nghỉ hưu ở 58 tuổi, nghĩa là tuổi nghỉ hưu chênh nhau 4 tuổi, trong khi quân đội còn nhiều cấp bậc, chức vụ khác nhau. Do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội, nên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiến nghị QH cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo đề xuất là 60 tuổi.

MINH CHIẾN - VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quoc-hoi-ban-ve-dau-tu-cong-thu-chi-ngan-sach-196241105213203147.htm