Quốc hội chuyển mình: Từ tham luận qua tranh luận
Quốc hội thông qua 12 luật và 12 nghị quyết. Luật Quy hoạch và Luật Tố cáo (sửa đổi) phải để lại.
Sau gần một tháng làm việc, sáng 21-6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV đã bế mạc.
Thảo luận, tranh luận thẳng thắn
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh kỳ họp thứ 3 của QH tiếp tục có những đổi mới, cải tiến quan trọng. QH đã bố trí chương trình làm việc hợp lý hơn, dành thời gian thỏa đáng cho nội dung thảo luận tại hội trường về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo bà Ngân, không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từng bước từ QH tham luận sang QH tranh luận với số lượt tranh luận tăng lên đáng kể.
Các bộ trưởng đã trực tiếp giải trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, các nghị quyết và báo cáo… đã tạo ra không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả kỳ họp chiều cùng ngày, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay đây cũng là lần đầu tiên các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ “QH phát biểu” sang “QH tranh luận” với tinh thần tạo ra một không khí hết sức dân chủ, đổi mới.
“Tại các phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH đã tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ tranh luận giữa ĐB với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa ĐB với ĐB, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các ĐB cũng hiểu lẫn nhau. Đây là điều tích cực, rất cần phát huy” - Tổng Thư ký QH nói.
Ông cũng cho hay kỳ họp này có điểm mới nằm ở sự điều hành rất linh hoạt của chủ tọa, nhất là việc chủ tọa quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận căn cứ vào thời lượng chương trình. “Ví dụ tại phiên thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội, chủ tọa đã quyết định kéo dài đến 18 giờ 30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ, có thêm 15 ĐB phát biểu. Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 ĐB đăng ký phát biểu tại một phiên họp. Việc mở thời gian tạo điều kiện cho ĐB phát biểu nhiều hơn” - ông Phúc nói.
Giám sát tối cao về sử dụng vốn tại DNNN
Cũng trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được QH xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. QH đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về sáu dự án luật khác.
Trên cơ sở xem xét những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, QH đã thảo luận và thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018 và nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát tối cao của QH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, giai đoạn 2011-2016”.
Sau kỳ họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị ĐBQH tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
QH yêu cầu Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo thực thi các luật, nghị quyết mới được thông qua. Cùng đó là tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Luật Cảnh vệ vừa thông qua đã đính chính là do khâu in ấn
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp 3 (QH khóa XIV) diễn ra chiều nay (21-6), Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc (ảnh) cho biết nguyên nhân Luật Cảnh vệ vừa được QH ấn nút thông qua tại kỳ họp thứ 3 phải đính chính là do sai sót trong khâu in ấn. Sai sót này đã được khắc phục trước khi các ĐBQH ấn nút thông qua dự luật và không ảnh hưởng đến chất lượng dự luật.
Cụ thể, cụm từ “Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả” sẽ được thay bằng cụm từ: “Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả”.
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 3 có một khối lượng công việc lớn, kéo dài suốt một tháng, các cơ quan phải làm việc liên tục cả ngày thứ Bảy thì việc nhầm lẫn, sai sót cũng khó tránh.
“Cụ thể, trong quá trình in ấn cũng có nhầm lẫn, thậm chí một văn bản liên quan xin ý kiến bỏ phiếu còn kẹp nhầm cả văn bản khác. Về việc này Văn phòng QH đã có văn bản xin lỗi” - ông Phúc nói và cho rằng cái này là đính chính chứ không sai. Trước khi tiến hành họp phiên thì đã có công văn gửi trước rồi”.
Tổng Thư ký QH cho hay: “Trước ngày chứng thực để chuyển chủ tịch QH ký, một đội rà soát sẽ tiến hành rà soát kỹ một lần nữa từ câu chữ đến dấu chấm, phẩy cho chắc chắn. Tất nhiên không bao giờ sai”.
Chưa thông qua Luật Quy hoạch và Luật Tố cáo sửa đổi
Về việc hai dự án luật là Luật Quy hoạch và Luật Tố cáo (sửa đổi) chưa được thông qua hoặc chuyển ra khỏi chương trình luật thông qua tại kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký QH cho hay: Luật Quy hoạch được rút ra khỏi chương trình các luật được thông qua tại kỳ họp này vì qua đánh giá, xem xét thấy còn nhiều vấn đề. Đây là một luật quan trọng, quy hoạch tổng thể của quốc gia, liên quan tới 45-95 luật chuyên ngành nhưng trong phần hiệu lực thi hành của luật thì viết thời điểm luật có hiệu lực là 1-1-2019. Liệu trong hơn một năm thì có kịp điều chỉnh hơn 90 luật kia hay không? Vì thế, QH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật này, báo cáo QH xem xét vào kỳ họp sau, đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng luật thông qua rồi lại phải sửa.
Tương tự với Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng vậy, qua phát biểu của các ĐBQH trên nghị trường thấy còn quá nhiều ý kiến khác nhau nên QH quyết định cho kéo dài thêm sang kỳ họp sau để xem xét thấu đáo.
“Tinh thần của QH là không chạy theo số lượng luật mà chú trọng đến chất lượng, phải đảm bảo tính khả thi của luật để luật đi vào cuộc sống đồng thời đảm bảo tuổi thọ của luật” - ông Phúc nói.
Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/quoc-hoi-chuyen-minh-tu-tham-luan-qua-tranh-luan-710143.html