Quốc hội Mỹ hối thúc đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất máy bay F-35

Các thượng nghị sĩ cho biết họ rất quan ngại về định hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan. Thổ Nhĩ Kỹ không hành xử như một đối tác có trách nhiệm và không thiện chí hợp tác với phương Tây ở mức độ mà họ kỳ vọng từ một đồng minh của NATO.

Máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: The Breaking Defence

Máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: The Breaking Defence

Hai đảng của Mỹ đạt được sự đồng thuận hiếm hoi về việc tiếp tục hối thúc không để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình sản xuất máy bay tàng hình F-35. Một nhóm nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi bức thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper yêu cầu lý giải nguyên do vì sao sau nhiều tháng chấm dứt hợp tác, Thổ Nhĩ Kỹ vẫn cung cấp các bộ phận chế tạo máy bay cho chương trình này.

Các thượng nghị sỹ cho biết họ rất quan ngại về tốc độ mà Lầu Năm Góc đang triển khai nhằm thay thế 900 linh kiện máy bay mà các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho chương trình, ngay cả sau khi Mỹ đã chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình này năm 2019 và chấm dứt việc đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Các Thượng nghị sỹ James Lankford, Jeanne Shaheen, Thom Tillis, và Chris Van Hollen cho biết, họ vẫn rất quan ngại về định hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan. Từ việc vi phạm nhân quyền tại Syria tới việc tùy tiện bắt giữ công dân Mỹ tại Ankara cho tới hợp tác quốc phòng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không hành xử như một đối tác có trách nhiệm và không thiện chí hợp tác với phương Tây ở mức độ mà họ kỳ vọng từ một đồng minh của NATO.

Lầu Năm Góc đã ra hạn chót việc thay thế các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 năm 2020, nhưng trong tháng 1 vừa qua, theo lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và hậu cần Ellen Lord, Mỹ sẽ tiếp tục để tập đoàn Lockheed Martin và nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tiếp tục nghĩa vụ hợp đồng chế tạo các bộ phận máy bay F-35 với các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, các công ty của nước này sẽ tiếp tục cung cấp các bộ phận chế tạo thông qua Lô 14 cùng những máy bay sẽ được chuyển giao trong năm 2022.

Theo dự luật quốc phòng năm 2020, Quốc hội Mỹ đã chi cho Bộ Quốc phòng nước này 30 triệu USD để đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất máy bay F-35, và bổ sung thêm 250 triệu USD để tìm kiếm các nguồn sản xuất thay thế, nhưng thực tế nỗ lực tìm kiếm không hề dễ dàng như mong đợi.

Hồi tháng 5 năm nay, Giám đốc công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết: “Người Mỹ mặc nhiên hiểu rằng sẽ chẳng cần mua thứ gì từ Thổ Nhĩ Kỳ để chế tạo máy bay F-35 sau tháng 3 năm 2020, nhưng các tiếp cận đó đã không còn thực tế do đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi hạn chót. “Các công ty của chúng tôi vẫn tiếp tục quá trình sản xuất, chuyển giao và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là “đối tác trung thành” của chương trình sản xuất máy bay tàng hình F-35”, ông Demir cho biết thêm.

Về phía Mỹ, các thượng nghị sĩ cho hay, thực tế Quốc hội Mỹ muốn tìm nguồn thay thế trong thời gian tính bằng tháng, chứ không phải bằng năm. Tuy vậy, dựa trên những tiết lộ gần đây, rõ ràng Lầu Năm Góc không theo lịch trình của mình đề ra và những ý định của Quốc hội Mỹ về vấn đề này. Chúng tôi khuyến khích các bạn xem xét lại cách tiếp cận hiện tại và có những hành động nhằm đẩy nhanh việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi dây chuyền sản xuất theo luật định.

Hoàng Vũ (Theo The Breaking Defence)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quoc-hoi-my-hoi-thuc-dua-tho-nhi-ky-ra-khoi-chuong-trinh-san-xuat-may-bay-f-35-post430825.html