Quốc hội nghe báo cáo về ngân sách nhà nước

Tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng hầu hết đến các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội nước ta và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ NSNN.

Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, cùng với sự phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết... góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về dự toán NSNN năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng.

Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên. Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tổng hợp về dự toán NSNN năm 2021 và đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn, vì quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp có liên quan đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm (2021-2025), Ủy ban TCNS cho rằng, 5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức lớn đan xen, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự phối hợp có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra như về tỉ lệ động viên vào NSNN từ GDP; về cơ cấu lại chi NSNN đã tăng tỉ trọng chi ĐTPT, giảm tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN; bội chi, nợ công so với GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được nói trên, Ủy ban TCNS thấy còn nổi lên một số mặt hạn chế.

Cụ thể, về thu NSNN, một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội chưa được thực hiện, chưa đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu. Tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu NSNN tăng khá thấp. Cơ cấu lại nguồn thu NSNN còn khó khăn. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, còn để thất thoát và lãng phí nguồn lực này.

Về chi NSNN, còn tồn tại tình trạng chi tiêu lãng phí, vượt tiêu chuẩn, vượt định mức, không đúng mục đích vẫn xảy ra; vai trò chủ đạo của NSTW chưa được bảo đảm, chậm triển khai thực hiện quy định của Nghị quyết số 25/2016/QH14 về việc “từng bước thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra)”. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, phát sinh tiêu cực, lãng phí, tham nhũng và nhiều hạn chế khác trong công tác quản lý, điều hành ngân sách đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia…

Ủy ban TCNS đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung lớn là: những vấn đề nổi lên trong quản lý thu, chi NSNN; việc điều chỉnh dự toán NSNN và đề xuất tăng bội chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ; giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2021; việc phân bổ chi ngân sách cho các dự án quan trọng quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016-2020; định hướng kế hoạch thu, chi, bội chi NSNN và nợ công giai đoạn 2021-2025;…

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tai-chinh/quoc-hoi-nghe-bao-cao-ve-ngan-sach-nha-nuoc/411329.vgp