Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 13/6, với 439/450 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 90,70%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), trong đó, quy định, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia.

Trước khi biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, UBTVQH cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, UBTVQH giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thể hiện tại các điều từ Điều 7 đến Điều 10 của dự thảo Luật.

Với 439/450 đại biểu Quốc hội tán thành (bằng 90,70%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Với 439/450 đại biểu Quốc hội tán thành (bằng 90,70%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH), UBTVQH cho biết, sẽ quy định Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch ĐTCTH giai đoạn mới. Theo đó, quy định tại Điều 60 của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) về việc Quốc hội khóa trước chuẩn bị kế hoạch ĐTCTH để Quốc hội khóa mới quyết định tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ. Đồng thời, để có thể triển khai, thực hiện việc giao kế hoạch đầu tư công trong năm đầu tiên của giai đoạn mới khi kế hoạch ĐTCTH giai đoạn mới chưa được Quốc hội quyết định, UBTVQH đề nghị quy định tại khoản 1 Điều 60 như sau: “Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này”.

Tương tự, đối với kế hoạch ĐTCTH ở địa phương, UBTVQH chỉnh sửa tương ứng các quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương, trước ngày 5/12 năm thứ năm của kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp khóa trước cho ý kiến về kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau; Ủy ban nhân dân căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau.

Trong khi đó, nội dung rất quan trọng về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH, UBTVQH cho biết, từ kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội vào ngày 3/6/2019 về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục ĐTCTH, do không có phương án nào được trên 50% các đại biểu Quốc hội lựa chọn, do đó, UBTVQH đề nghị giữ nguyên như quy định trong Luật Đầu tư công hiện hành. Cụ thể, quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia.

Về “Nội dung báo cáo kế hoạch ĐTCTH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, UBTVQH cũng đề nghị giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, chỉ bổ sung nội dung trình về “định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn” và tổng mức vốn kế hoạch ĐTCTH của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về các lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, với quy định về điều chỉnh chương trình, dự án, UBTVQH giải trình, theo quy định tại Điều 43, dự thảo Luật đã quy định chỉ trong các trường hợp cụ thể (tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43) thì cấp có thẩm quyền mới được quyết định điều chỉnh chương trình, dự án (do điều chỉnh quy hoạch, do các nguyên nhân bất khả kháng, ảnh hưởng sự cố thiên tai, hỏa hoạn…). Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị chỉnh lý theo hướng: “Cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh chương trình, dự án sau khi chương trình, dự án đã được thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá theo quy định của Luật này.”.

Đặc biệt, về quy định khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, theo UBTVQH, để khắc phục tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư tùy tiện, dự thảo Luật trình Quốc hội đã quy định, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư phải tuân thủ các quy định (các điều từ Điều 19 đến Điều 27 và Điều 34) tùy theo phân loại chương trình, dự án.

UBTVQH đánh giá các quy định này khá chặt chẽ nhằm hạn chế điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư nhiều lần. Và trong thực tế, khó có thể quy định tỷ lệ chung khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư cho tất cả các dự án trên cả nước do mỗi khi điều chỉnh, cấp có thẩm quyền phải xác định trên cơ sở điều kiện thực tế được pháp luật cho phép và việc điều chỉnh đem lại hiệu quả đầu tư. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật. Cụ thể, trong mọi trường hợp điều chỉnh, cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Hoàng Châu - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-doi-voi-du-an-quan-trong-quoc-gia-120986.html