Quốc hội quyết GDP bình quân đầu người năm 2021 khoảng 3.700 USD/người
Với 89,21% đại biểu nhấn nút tán thành, sáng 11/11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. 7 vị không tán thành 12 chỉ tiêu năm sau.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua nêi rõ mục tiêu tổng quát của năm sau là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.... cũng là mục tiêu được đặt ra cho năm tới.
Quốc hội cũng quyết 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm sau, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quá trình thảo luận, một số vị đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.
Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%.
Ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức “đạt”, không ghi “khoảng”.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
Các chỉ tiêu chủ yếu:
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.
2. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
7. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.
8. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.
9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.
10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.
12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
"Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết" - ông Thanh thông tin.
Riêng về các chỉ tiêu khác của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đã được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ các chỉ tiêu trên như dự thảo Nghị quyết.
Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Vẫn theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, qua góp ý của các đại biểu, có khá nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, ở nhiệm vụ thứ nhất đã bổ sung nội dung " theo dõi sát, tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh".
Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Kiểm soát người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính – ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.
Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/quoc-hoi-quyet-gdp-2021-tang-khoang-6_102780.html