Quốc hội quyết GDP năm 2021 tăng khoảng 6%
Với 89,21% đại biểu nhấn nút tán thành, sáng 11/11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
7 vị không tán thành 12 chỉ tiêu năm sau
Mục tiêu tổng quát của năm sau nêu rõ: tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.... cũng nằm trong mục tiêu năm tới.
Quốc hội cũng quyết định thông qua 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm sau, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.
Biểu quyết riêng về 12 chỉ tiêu, có 430/440 vị đại biểu tán thành, 7 vị không tán thành 7 và 3 vị không biểu quyết.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình thảo luận, một số vị đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.
Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%. Có ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức “đạt”, không ghi “khoảng”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
"Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết" - ông Thanh báo cáo.
Về các chỉ tiêu khác của năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đã được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ các chỉ tiêu trên như dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định - Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.
Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết về có khá nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, qua góp ý của đại biểu Quốc hội.
Theo đó, ở nhiệm vụ thứ nhất đã bổ sung nội dung " theo dõi sát, tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh".
Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Kiểm soát người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ nhiệm vụ đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính – ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập. Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Ngăn chặn tín dụng đen
Năm 2021 Quốc hội còn yêu cầu đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gắn với thực thi nghiêm pháp luật; rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường… để tiếp tục hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém hiện nay, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Có giải pháp, chính sách thích hợp để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành.
Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương.
Điều 2. Các chỉ tiêu chủ yếu
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.
2. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
7. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.
8. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.
9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.
10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.
12. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
(Nguồn: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội thông qua sáng 11/11).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quoc-hoi-quyet-gdp-nam-2021-tang-khoang-6-d133004.html