Quốc hội thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hôm nay (12/6), cùng với việc tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự, Quốc hội sẽ thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 20212030.
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục xem xét công tác nhân sự về phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Quốc hội thảo luận ở Hội trường dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Bước sang phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phiên họp này được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Mục tiêu của chương trình hướng tới giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đảm bảo hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trước đó, sáng ngày 11/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để xem xét, quyết định về công tác nhân sự: dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Quốc hội thông qua Danh sách bầu cử Chủ tịch Hội đồng quốc gia. Sau đó, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với kết quả bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với tỷ lệ 98,1%; Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Vương Đình Huệ với tỷ lệ 97,7%; Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thanh Hải với tỷ lệ 97,9%.
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày 03 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về: Bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBTVQH đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết này, kết quả như sau:
Về Nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, kết quả: có 462 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,65%); trong đó, có 462 đại biểu tán thành (bằng 95,65%).
Về Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Vương Đình Huệ, kết quả: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,37%); trong đó, có 448 đại biểu tán thành (bằng 92,75%); có 03 đại biểu không tán thành (bằng 0,62%).
Về Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải, kết quả: có 443 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,72%); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91,72%).
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội họp tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác và Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác cho thấy, đa số đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về: đối tượng, tiêu chí, mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; về hướng dẫn kê khai hồ sơ, trình tự, thủ tục nộp thuế để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; về cơ chế, biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế; về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu đô thị, khu vực nông thôn, khu dân cư tập trung; về quản lý chất thải; về ứng phó với biến đổi khí hậu; về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thanh tra, kiểm tra; về thuế, phí bảo vệ môi trường; an ninh nguồn nước; về tuyên truyền bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường…
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Tại phiên thảo luận đã có 11 đại biểu phát biểu ý kiến.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; về chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công (trong đó có dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết do không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển); về việc tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại. Tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu không tán thành với việc chuyển đổi đầu tư đối với dự án Mai Sơn - QL.45, dự án Phan Thiết - Dầu Giây; có ý kiến đề nghị chuyển sang hình thức đầu tư công đối với toàn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung như: bố trí thêm 23.461 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho việc điều chỉnh 03 dự án thành phần; về khả năng sử dụng vốn đã phân bổ chưa giải ngân hết; về khả năng cân đối các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng; về phương án thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước; về tác động đến kế hoạch đầu tư trung hạn; về nợ công; về thẩm quyền quyết định chuyển đổi các dự án; việc giải quyết, xử lý đối với các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển; về trách nhiệm tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, giải ngân chậm…
Các ý kiến thảo luận của các đại biểu sẽ được UBTVQH tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Tại phiên họp này, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về việc đề nghị phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; nghe Tờ trình của UBTVQH về dự kiến nhân sự để bầu Ủy viên UBTVQH. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này.