Quốc hội thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước
Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế ở từng khu vực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chống thất thoát trong đầu tư công… trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với việc sản xuất kinh doanh.
Sáng nay, đúng 8 giờ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội dành trọn một ngày, thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tại Phiên họp, Quốc hội cũng sẽ nghe các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo Chương trình làm việc, Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch. Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội để nhân dân và cử tri theo dõi.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100
Mở đầu Phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) bày tỏ đồng tình với Báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian cách ly xã hội.
Về việc tiếp tục thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu vấn đề: Luật và Nghị định 100 của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, thu được hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây chính là quyết tâm, nỗ lực và sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Từ đó, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông, được dư luận đồng thuận, nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cũng theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, mặc dù công cuộc cách mạng để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, các quán ăn, nhà hàng dịch vụ ban đầu chưa có giải pháp thích ứng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, giảm lượng khách, giảm thu nhập nhưng hiệu quả mang lại đã, đang và sẽ không nhỏ với tình hình an toàn giao thông, an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận thấy, hiện nay sau thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân còn chủ quan với các quy định về an toàn giao thông, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến và lượng rượu, bia bán ra nhiều hơn khi mới áp dụng Nghị định 100. “Chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở các quán bia vỉa hè, nhà hàng khách ăn uống rượu, bia sau đó lái ô tô, người lái xe máy vẫn lái xe máy, đây là một sự chủ quan nguy hiểm”. Chỉ ra điều này, đồng thời chia sẻ với người dân sau thời gian giãn cách dài, chia sẻ với nhà hàng, quán ăn bị thiệt hại vì dịch bệnh, nhưng theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, “đã đến lúc chúng ta sớm trở lại ngăn chặn”.
Tiếp đó, các đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh)… phát biểu đều bày tỏ đồng tình với việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ; đề nghị lực lượng Công an tiếp tục tăng cường xử lý lĩnh vực này.
Bàn các giải pháp ổn định kinh tế
Tại hội trường, các ý kiến cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế ở từng khu vực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chống thất thoát trong đầu tư công… trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với việc sản xuất kinh doanh.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đề ra, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cho biết, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Chính phủ cũng đề ra 9 nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội năm 2020. Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức...