Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO
Ngày 23/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản lớn nhất còn lại đối với việc mở rộng liên minh quân sự sau 20 tháng trì hoãn.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cả Thụy Điển và Phần Lan trong năm 2022 đều muốn trở thành một phần của NATO do các lo ngại liên quan tới vấn đề an ninh.
Trong khi Phần Lan nhanh chóng đạt được tư cách thành viên hồi tháng 4/2023, Thụy Điển phải chờ đợi do Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ không tán thành. Để một quốc gia có thể thành công trở thành một phần của liên minh, tất cả các thành viên NATO cần phê duyệt đơn đăng ký. Vào thời điểm đó, nguyên nhân mà Ankara đưa ra là do Thụy Điển chưa đủ tích cực để đối phó với các nhóm được nước này cho là khủng bố.
Ankara đã kêu gọi Stockholm tăng cường việc đối phó Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm được nước này, Liên minh châu Âu và Mỹ coi là một nhóm khủng bố. Phản ứng lại những lời kêu gọi trên, Thụy Điển đã thông qua một dự luật chống khủng bố mới quy định việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp. Thụy Điển, Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 10/2023, Tổng thống Erdogan trình đề xuất xin gia nhập lên Quốc hội và tới 23/1/2024, Đại hội đồng Thổ Nhĩ Kỳ, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan chiếm đa số, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 287-55 để phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển.
Reuters dẫn lời ông Fuat Oktay, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và là thành viên Đảng AK cầm quyền, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng NATO để cải thiện các nỗ lực răn đe của liên minh. Chúng tôi hy vọng thái độ của Phần Lan và Thụy Điển trong việc chống khủng bố sẽ làm gương cho các đồng minh khác của chúng tôi”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake trong một tuyên bố bằng văn bản cùng ngày cho biết: “Tôi đánh giá rất cao quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO ngày hôm nay”. Ông nhận định: "Cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh NATO thể hiện rõ ràng mối quan hệ đối tác lâu dài của chúng tôi".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và nói: "Tôi cũng tin tưởng Hungary sẽ hoàn thành việc phê chuẩn càng sớm càng tốt."
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cũng đánh giá cao sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông Billstrom cho biết ông mong đợi Tổng thống Erdogan nhanh chóng ký văn bản phê chuẩn. Một khi ký thành luật, Hungary sẽ là quốc gia thành viên duy nhất còn lại không chấp thuận việc gia nhập của Thụy Điển.
Để thúc đẩy quá trình này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã mời người đồng cấp Thụy Điển tới thăm và đàm phán về việc nước này trở thành thành viên chính thức của NATO ngày 23/1, Trong khi đó, Quốc hội Hungary tạm nghỉ cho đến khoảng giữa tháng 2.