Quốc hội thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2016

Với 433/435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, tỷ lệ tán thành đạt 87,88%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.

Theo đó, năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp gồm Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận Báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016.

Xem xét, thảo luận Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7/2016. Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào cuối tháng 10/2016, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; xem xét, thảo luận Báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét, thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Quốc hội giao, căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban; các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Sau khi thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phí, lệ phí. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc nâng Pháp lệnh Phí và lệ phí lên thành Luật Phí, lệ phí nhằm khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật Phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài nhà nước thực hiện. Các dịch vụ được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân sẽ được áp dụng theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại phí và lệ phí chưa rõ, chưa tách bạch giữa phí và lệ phí; đề nghị rà soát lại tất cả các loại phí, lệ phí, làm rõ khái niệm giá dịch vụ, phí, lệ phí; xác định rõ đối tượng điều chỉnh, các đối tượng trong và ngoài công lập; làm rõ về nội hàm của từng loại phí, lệ phí.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Danh mục phí, lệ phí kèm theo dự thảo Luật bao gồm 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí.

Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.

Tán thành với danh mục phí và lệ phí trong dự thảo lLuật , đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, danh mục này đã xác định rõ ràng các khoản phí và lệ phí để đẩy mạnh việc xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm cung cấp các dịnh vụ công có chất lượng cao nhất cho người dân.

Nhiều khoản phí đã được chuyển sang cơ chế giá để phù hợp với luật chuyên ngành đã ban hành. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần phải có nguyên tắc phân cấp rõ ràng để quy định cụ thể danh mục phí, lệ phí loại nào là do Chính phủ quy định, loại nào do Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành và các Bộ, ngành đó được quy định những loại phí nào; loại nào do chính quyền địa phương quy định.

“Có như vậy sẽ dễ dàng thực hiện hơn vì khi phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch sẽ dễ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng các nguồn thu từ các loại phí, lệ phí”, đại biểu phân tích. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) tán thành với dự thảo quy định nội dung về danh mục phí, lệ phí nhưng đề nghị cần có sự phân định theo nhóm.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Lý do bà Nga đã có những sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh, xâm hại lợi ích hợp pháp của khách hàng, gây bức xúc, bất bình đối với những người bị thiệt hại, gây ảnh hưởng xấu trong công luận, trong nhân dân; vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Bà Châu Thị Thu Nga không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và bà Châu Thị Thu Nga theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Trước đó, chiều qua (17/6), Quốc hội đã nghe bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga. Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã họp, thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Theo chương trình kỳ họp, sáng mai (19/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Thú y và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Quốc Bình

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/quoc-hoi-thong-qua-chuong-trinh-hoat-dong-giam-sat-nam-2016.html