Quốc hội thông qua mục tiêu GDP tăng 6% năm 2021
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% năm 2021 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua, 12 chỉ tiêu chủ yếu cần thực hiện trong năm tới gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91% và tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
GDP 9 tháng đầu năm tăng 2,12%, thấp nhất một thập kỷ
Trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và Việt Nam, mục tiêu tổng quát của Chính phủ năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021.
Theo ông Thanh, các chỉ tiêu khác của năm 2021 được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021.
Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đã được Quốc hội quyết định.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Theo đó, Chính phủ cần theo dõi sát, tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh.
Các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng lao động, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với các dự án đầu tư, theo ông Thanh, các bộ ngành cần triển khai có hiệu quả đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là ngành năng lượng, chế biến và chế tạo.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần đẩy nhanh cơ cấu lại nông nghiệp cho phù hợp với từng vùng miền; đầu tư hạ tầng thủy sản, nâng cao năng lực sản xuất, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Qua đó, đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.