Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo
Sáng ngày 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổng kết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Thông qua 7 luật, 10 nghị quyết
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp khẳng định, sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình.
Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.
Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến cơ bản được chuẩn bị tốt, bảo đảm tiến độ, nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội với nhiều lượt thảo luận và tranh luận. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành; biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. “Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân” - ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm nhưng số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên.
Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Tập trung các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là: Chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. “Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm…” - ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra.
Báo cáo của UBTVQH cũng nêu lên một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Thực hiện đúng quy định về gửi hồ sơ, tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội. Không bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp sau khi khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp thật sự cấp thiết.
Đồng thời, nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp trước khi trình Quốc hội. Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm như công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử, giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp…