Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 6.000 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tính tới cuối quý II.

 Nhờ nhiều kỳ không chi quỹ, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã lên hơn 6.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh.

Nhờ nhiều kỳ không chi quỹ, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã lên hơn 6.000 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối quý II năm nay vào khoảng 6.061 tỷ đồng, chỉ giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước.

Trong đó, số dư Quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm hơn một nửa, ở mức gần 3.079 tỷ đồng. Hiện Petrolimex vẫn đang là doanh nghiệp nắm giữ khoảng 51% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước.

Ngoài Petrolimex, một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá ở mức dương lớn như Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là 328 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Tổng công ty xăng dầu Quân đội (Mipec) là gần 300 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp dương 460 tỷ đồng.

Ngoài ra, số dư Quỹ của Tổng công ty TM XNK Thanh Lễ là hơn 390 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh là gần 165 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Dương Đông là 182 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức là hơn 467 tỷ đồng...

Ngược lại, một số doanh nghiệp đang ghi nhận mức âm Quỹ này là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với số âm hơn 138 tỷ đồng; Bình Minh Petro (-16 tỷ đồng), Trường An (-14,8 tỷ đồng) hay Tân Nhật Minh (-36 tỷ đồng)...

Liên quan tới việc vận hành và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83-2014 đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trương không bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Lý do được đưa ra là xăng dầu vẫn nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá của Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7).

Cũng tại dự thảo Nghị định mới, Bộ này đưa ra công thức giá bán lẻ xăng dầu để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Bộ Công Thương sẽ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như các chi phí về thuế các loại, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.

Giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá tính toán theo công thức quy định.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-binh-on-gia-xang-dau-du-hon-6000-ty-dong-post1502065.html