Quy chế kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Theo Quy chế, kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính là một trong các công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại từ khi bản án, quyết định dân sự, hành chính có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án; việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, hành chính được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Nội dung việc kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính tập trung vào các việc sau: Kiểm sát việc cấp, chuyển giao bản án, quyết định; giải thích, đính chính, sửa chữa, bổ sung; giải quyết yêu cầu, kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án; kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án dân sự, hành chính; kiểm sát việc ra quyết định thi hành án dân sự, yêu cầu, đôn đốc thi hành bản án, quyết định hành chính; kiểm sát nội dung quyết định, việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án; kiểm sát việc ủy thác thi hành án dân sự; kiểm sát việc hoãn, tạm đình chỉ, tiếp tục thi hành án dân sự, đình chỉ thi hành án dân sự.

Đồng thời, kiểm sát việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án; kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án; kiểm sát việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, của Trọng tài thương mại; kiểm sát việc thi hành khoản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tiêu hủy tài sản; hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự; kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; kiểm sát việc tổ chức thi hành án dân sự cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.

Bên cạnh đó, kiểm sát việc thi hành các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án; kiểm sát việc thi hành quyết định về phá sản; kiểm sát việc thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành ở Việt Nam; kiểm sát việc kết thúc thi hành án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, hành chính; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại…

Khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải lập hệ thống sổ sách theo dõi và lập hồ sơ kiểm sát thi hành án.

Lưu Thủy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/quy-che-kiem-sat-thi-hanh-an-dan-su-hanh-chinh/294835.vgp