Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp, cơ chế đặc thù vượt trội

Nhất trí cao với quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thành lập Quỹ là hoàn toàn cần thiết, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, nhất là để thể chế hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại Kết luận số 75 - KL/TW.

Góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trình Quốc hội lần này đã bổ sung 19 điều. Trong đó, có 2 điều quan trọng về điều kiện bảo đảm để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Cụ thể là Điều 21 về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và Điều 22 về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, việc có thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh hay không là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, cho ý kiến. Dự thảo Luật lần này đã thể hiện tại Điều 22 những quy định cơ bản nhất về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh như: mục đích, nguồn hình thành, nguyên tắc hoạt động của Quỹ và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ. Đồng thời, để bảo đảm tránh chồng lấn nhiệm vụ chi của Quỹ này với các quỹ khác, khoản 1 Điều 22 đã quy định rõ mục đích của Quỹ.

ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhất trí cao quy định như dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định Quỹ này là hoàn toàn cần thiết, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, nhất là để thể chế hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại Kết luận số 75 - KL/TW ngày 24.4.2024.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cho biết, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này. Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp, cơ chế đặc thù vượt trội, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược.

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tán thành với quy định nêu trên, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nêu rõ, khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ đã khẳng định “công nghiệp quốc phòng, an ninh có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh”.

Với nội hàm như vậy, chi phí để thực hiện các nhiệm vụ sẽ rất lớn, cần huy động nhiều nguồn lực để đáp ứng như từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu của doanh nghiệp, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Vì thế, theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, những quy định tại Điều 21, Điều 22 dự thảo Luật sẽ giải quyết được yêu cầu này.

Nên cho chuyển tiếp phần ngân sách đến khi kết thúc thực hiện nhiệm vụ

Cũng quan tâm đến nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu rõ, Điều 21 dự thảo Luật quy định “Trích tối đa toàn bộ lợi nhuận sau thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt để nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; bù đắp chi phí cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt không thành công sau khi trích lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ theo quy định của pháp luật”.

Cơ bản đồng tình với nội dung này, song, quy định sau khi trích lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, cần được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hơn và có thể giao Chính phủ quy định chi tiết. Việc trích tối đa toàn bộ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác theo quy định của pháp luật cần làm rõ, nếu như sau khi trích Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ khác mà số tiền không còn hoặc còn rất ít thì xử lý như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, hiện nay theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và một số Nghị định của Chính phủ, các nhiệm vụ chi mua sắm tài sản đặc biệt, các trang thiết bị chuyên dụng, đặc chủng trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì được chuyển sang năm sau thực hiện đến khi nghiệm thu thanh lý hợp đồng, nghĩa là được chuyển nguồn trong vòng 1 năm. Trong khi đó, các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật, đặc biệt vũ khí kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược được mua sắm, sản xuất, sửa chữa trong nước của Bộ Quốc phòng với công nghệ cao, cấu hình kỹ thuật chiến rất phức tạp phải nhập khẩu từ các nước, phụ thuộc rất nhiều vào nước chúng ta nhập khẩu. Việc nghiên cứu, sửa chữa, chế tạo thường kéo dài, nếu chỉ cho phép chuyển nguồn trong vòng 1 năm rất khó có thể thực hiện được.

Từ cơ sở thực tiễn đã phân tích, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất bổ sung một khoản tại Điều 21 của dự thảo Luật, đó là “ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu nếu chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết vì lý do khách quan được chuyển sang năm tiếp theo đến khi nghiệm thu thanh lý hợp đồng”.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị, nên cho chuyển tiếp phần ngân sách cho đến khi kết thúc thực hiện nhiệm vụ, theo quy định như hiện nay là chuyển tiếp sang năm thứ hai, như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện các nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng thuận lợi hơn. “Ngoài những lý luận về cơ sở thực tiễn như đại biểu Nguyễn Trường Giang đã nêu, hoàn toàn có cơ sở pháp lý để quy định cho phù hợp, cụ thể là những nội dung tại Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 165/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Nghị định số 01/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30.9.2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quy-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-la-giai-phap-co-che-dac-thu-vuot-troi-i373497/