Quy định cụ thể hơn việc phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Sáu, chiều 24.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, về khái niệm “Công trình quốc phòng” (Khoản 1, Điều 2), có ý kiến đề nghị giải thích cụ thể hơn để dễ thực hiện, thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” và các nội dung liên quan của dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến, để cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về công trình lưỡng dụng (Điều 7), nhiều ý kiến nhất trí nội dung quy định về công trình lưỡng dụng; có ý kiến đề nghị quy định thống nhất và phù hợp với quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về “sân bay mang tính lưỡng dụng”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này. Do đó, việc quy định 1 Điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo Luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.

Thống nhất các lực lượng tham gia bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự tại địa phương

Cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cũng đề nghị tiếp tục rà soát, quan tâm một số nội dung về: nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, nguồn lực con người, các chính sách hỗ trợ, đặc biệt cần quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Luật. Đồng thời, cần thống nhất các lực lượng, đối tượng tại các địa phương khi được phân công tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự là những đối tượng nào.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Băn khoăn về quy định phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích gồm 5 loại và phân nhóm công trình quân sự theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ gồm 4 nhóm, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề, giữa nhóm, giữa phân loại công trình và khu quân sự với phân nhóm công trình quân sự và công trình quốc phòng có mối liên hệ như thế nào? Công trình nhóm đặc biệt gồm những công trình loại nào? Và công trình nhóm 3 gồm những loại công trình nào? Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần bổ sung thêm “các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật” vào Điểm a, Khoản 2, Điều 5 vì các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật, vị trí, vai trò rất quan trọng về mặt chiến thuật quân sự, đã được chứng minh qua thực tiễn.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Khoản 6 Điều 7 dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định: Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật có liên quan và quản lý theo quy định của Luật này; công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này. Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; việc cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với việc bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng, song ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị cần chỉnh lý lại khoản 6, Điều 7 cho rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, đã là công trình lưỡng dụng thì trước hết, phải quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nếu là tài sản của Nhà nước và pháp luật liên quan khác. Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng thì cần có thêm những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ.

Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quy-dinh-cu-the-hon-viec-phan-loai-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-i347531/