Quy định mới về vay và trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 19/2024/TT-NHNN (Thông tư 19) có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, để sửa đổi và bổ sung một số quy định trong Thông tư 08/2023/TT-NHNN (Thông tư 08) về điều kiện vay và trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

Theo đó, những thay đổi quan trọng trong Thông tư 19 tập trung xoay quanh việc công nhận minh thị các khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) cùng với các điều chỉnh về điều kiện vay nước ngoài có liên quan.

Công nhận minh thị các khoản vay nước ngoài phát sinh từ thư tín dụng đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Theo Cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Việt Nam không cam kết các dịch vụ tài chính và ngân hàng (bao gồm việc phát hành thư tín dụng) dưới hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới. Ngoại trừ bảo lãnh và cho vay, là hai hoạt động cấp tín dụng được công nhận gián tiếp thông qua các văn bản của NHNN, khung pháp lý cho các hoạt động cấp tín dụng khác của các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài trước đây chưa rõ ràng. Mặc dù các nghiệp vụ phát sinh có liên quan đến thư tín dụng là rất phổ biến trên thực tế, như (i) doanh nghiệp vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ có sử dụng thư tín dụng, hoặc (ii) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vay nước ngoài thông qua các nghiệp vụ thư tín dụng trả chậm có điều khoản cho phép bên thụ hưởng nhận tiền ngay.

Trước khi có Thông tư 19, trong các giao dịch liên quan đến vay nợ nước ngoài phát sinh từ thư tín dụng, các bên thường phải ký hợp đồng vay để hợp thức hóa khoản vay mà ngân hàng phát hành đã trả cho người thụ hưởng theo thư tín dụng đã mở. Việc này nhằm giúp “hợp pháp hóa” các khoản vay nước ngoài phát sinh từ thư tín dụng, từ đó cung cấp cơ sở để người vay (ngân hàng phát hành của bên yêu cầu mở L/C) tại Việt Nam chuyển khoản tiền này ra nước ngoài.

Trước khi có Thông tư 19, trong các giao dịch liên quan đến vay nợ nước ngoài phát sinh từ thư tín dụng, các bên thường phải ký hợp đồng vay để hợp thức hóa khoản vay mà ngân hàng phát hành đã trả cho người thụ hưởng theo thư tín dụng đã mở.

Do đó, việc bổ sung các quy định có liên quan đến khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng trong Thông tư 19 của NHNN là phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho các giao dịch của các bên liên quan và gián tiếp thừa nhận hình thức cấp tín dụng này dưới dạng cung cấp dịch vụ qua biên giới. Ngoài ra, điều chỉnh này cũng sẽ bảo đảm sự đồng bộ về mặt pháp lý với Luật các tổ chức tín dụng 2024 và Thông tư 21/2024/TT-NHNN (quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng), và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và các TCTD thực hiện nghiệp vụ này trên thực tế.

Điều chỉnh điều kiện vay nước ngoài để tương thích với hoạt động vay nước ngoài phát sinh từ thư tín dụng

Việc công nhận các khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng như đã phân tích trên đây cũng dẫn đến những điều chỉnh liên quan đến mục đích của các hợp đồng vay nước ngoài theo hình thức cấp tín dụng này. Ngoài những thay đổi mang tính đồng bộ như bổ sung khái niệm, thời hạn vay liên quan đến nghiệp vụ phát hành thư tín dụng, một số điều chỉnh chính trong Thông tư 19 bao gồm:

- Bổ sung mục đích đi vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa (bao gồm cả việc trả nợ bắt buộc đối với ngân hàng phát hành) theo thư tín dụng trong trường hợp bên đi vay không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài(1). Thay đổi này nhằm tránh các diễn giải không phù hợp khi có sự thay đổi trong cách nhìn nhận nghiệp vụ thư tín dụng là cấp tín dụng tại Luật các tổ chức tín dụng 2024, vốn dễ dẫn đến cách hiểu là hoạt động vay nước ngoài nhằm sử dụng thư tín dụng để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp là dùng để cơ cấu lại khoản nợ trong nước. Thông tư 19 đã làm rõ hơn là nếu bên vay trong nước vay nước ngoài mà để trả nợ cho tổ chức tín dụng trong nước liên quan đến thư tín dụng nhập khẩu hàng hóa thì không bị xem là vay để cơ cấu lại khoản nợ trong nước.

- NHNN cũng không giới hạn vay ngắn hạn cho bên đi vay là TCTD hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến nghiệp vụ phát hành thư tín dụng(2). Cụ thể, Thông tư 19 làm rõ rằng hạn mức vay ngắn hạn (ví dụ: 30% đối với ngân hàng thương mại) sẽ không áp dụng trong trường hợp các khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc phát hành thư tín dụng bởi các TCTD hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong trường hợp phát sinh giao dịch tín dụng nước ngoài giữa TCTD hoàn trả và TCTD phát hành trên cơ sở nghiệp vụ thư tín dụng cần có cơ chế khác so với các quy định trong Thông tư 08. Bởi vì, các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn, mục đích vay và giới hạn trong Thông tư 08 ban đầu được thiết kế cho các giao dịch vay nước ngoài trên cơ sở bằng tiền. Như vậy quy định mới là phù hợp vì đối với giao dịch vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng của một giao dịch thương mại cần có cơ chế khác do các giao dịch này có quy trình thực hiện tuân theo thông lệ quốc tế và dựa trên chứng từ xuất nhập khẩu cụ thể.

- Bên cạnh đó, Thông tư 19 cũng bổ sung một mục đích vay mới - thanh toán cho người thụ hưởng trong việc phát hành thư tín dụng trả chậm với các điều khoản thanh toán ngay hoặc trước hạn và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng. Trong trường hợp này, bên vay là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể không cần chứng minh mục đích của khoản vay nước ngoài trong hồ sơ đăng ký nộp cho NHNN trong trường hợp là khoản vay trung, dài hạn nước ngoài(3).

Nhìn chung, các điều chỉnh trong Thông tư 19 xoay quanh việc bổ sung các khoản vay phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng. Những sửa đổi và bổ sung này cho Thông tư 08 là cần thiết khi có thể: (1) tạo khung pháp lý cho việc thực hiện các khoản vay thông qua nghiệp vụ thư tín dụng, và (2) theo đó, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế - một nguồn vốn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, và đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu quản lý ngoại hối.

(*) Luật sư cấp cao của Công ty Luật Vilasia.
(1) Điều 1.2 Thông tư 19
(2) Điều 1.5 Thông tư 19
(3) Điều 1.4 Thông tư 19

LS. Đỗ Đình Lâm (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quy-dinh-moi-ve-vay-va-tra-no-nuoc-ngoai-khong-duoc-chinh-phu-bao-lanh/