Quy định nồng độ cồn cần bảo đảm tính khả thi | Hà Nội tin mỗi chiều

Quy định nồng độ cồn cần bảo đảm tính khả thi; Bộ Công an đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Quy định nồng độ cồn cần bảo đảm tính khả thi

Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình quy định hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn nghiêm khắc đang phát huy hiệu quả, làm giảm tai nạn giao thông. Do vậy, Bộ Công an giữ nguyên quan điểm cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe. Vấn đề nay đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội

Theo một kết quả khảo sát, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Hơn 50% vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia. Chỉ tính riêng trong 4 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, từ 9-12/2 vừa qua, có hơn 15.000 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý. Trung bình mỗi ngày gần 4.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn. So với mỗi ngày nghỉ Tết cùng thời điểm năm 2023, con số vi phạm bị xử lý tăng rất cao, có ngày tăng tới 500%. Qua phân tích, vi phạm chủ yếu ở người sử dụng mô tô và lứa tuổi trung niên trở lên.

Quy định cấm người lái xe sau khi sử dụng rượu, bia, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó lái xe. Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã tạo được hiệu quả rõ rệt, dần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ cấm tuyệt đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, còn người điều khiển xe gắn máy thì có mức giới hạn là 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Việc chúng ta sửa đổi quy đinh đặt ngưỡng nồng độ cồn cho phép khi lái xe là 0%, tương đương 0 miligam/100 mililít máu hoặc 0 miligam/1 lít khí thở, có quan điểm cho là cứng nhắc, không cần thiết và đề nghị nếu vượt ngưỡng cho phép mới bị xử phạt. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, Việt Nam là một đất nước nhiều lễ hội, ẩm thực là văn hóa, nề nếp của người dân hàng nghìn năm nay, khi lễ tết hội hè là phải có rượu. Do đó, xét về tập tục văn hóa, thói quen và truyền thống thì không nên cấm tuyệt đối.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có những quy định cụ thể như Luật pháp Thái Lan quy định rằng người điều khiển phương tiện bị cho là say rượu khi người từ 20 tuổi trở lên mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 mg/100 ml. Người dưới 20 tuổi hoặc người sử dụng giấy phép lái xe tạm thời mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 20 mg/100 ml. Singapore quy định giới hạn nồng độ cồn khi lái xe ở nước này là 0,35 mg/lít khí thở, 80 mg/100 ml máu. Lỗi uống rượu bia khi lái xe có thể bị phạt tới 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) và bị phạt tù 1 năm cho lần vi phạm đầu tiên. Còn tại Trung Quốc, người điều khiển phương tiện bị xác định là “lái xe sau khi uống rượu bia” khi nồng độ cồn trong máu từ 20 mg/100 ml đến dưới 80 mg/100 ml.

Có trường hợp chỉ cần sử dụng một số loại đồ uống như socola, hoa quả lên men, dạng thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng có một chút ethanol hay một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, tạo ra lượng cồn trong hơi thở. Đó cũng là quan ngại của nhiều người dân khi điều khiển phương tiện giao thông.

Dù việc cấm này thực hiện một cách quyết liệt với mục tiêu nhằm thay đổi thói quen “đã dùng rượu bia là không lái xe”, nhưng điều này chỉ nên duy trì ở giai đoạn quá độ. Về lâu dài, chỉ nghiêm cấm và xử phạt khi có nồng độ cồn quá ngưỡng cho phép.

Bộ Công an đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 3 triệu trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và số lượng các vụ tai nạn giao thông vẫn đang ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Công an đang đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông quy định về điểm, trừ điểm đối với giấy phép lái xe nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Theo đề xuất mới của Bộ Công an, dự kiến mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm/năm. Khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Nếu trong một năm bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện. Sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu không vi phạm thì được phục hồi 12 điểm. Bộ Công an cho rằng trừ điểm bằng lái không phải xử phạt hành chính mà được xây dựng tương đồng quy định tước giấy phép hành nghề. Việc trừ điểm bằng lái cũng tương đồng với quy định quản lý nhà nước như trong lĩnh vực y tế, dược.

Bộ Công an tiếp tục đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: N.Hải

Bộ Công an tiếp tục đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: N.Hải

Trước đó vào năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hình thức "bấm lỗ"bằng lái. Sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" bằng lái mới.

Rõ ràng quy định mới này nếu áp dụng sẽ là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây. Nhưng việc thu bằng lái xe của người vi phạm nếu như chúng ta không cân nhắc một cách kỹ càng có thể gây ra những áp lực xã hội, đặc biệt là với vấn đề công ăn việc làm của người tham gia giao thông. Vì xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là phương tiện làm ăn hàng ngày. Việc trừ điểm trên giấy phép lái xe nên tập trung vào những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, những hành vi bị cấm. Cần phải có sự phân biệt giữa những hành vi vi phạm do lỗi cố ý của người điều khiển phương tiện với các hành vi do yếu tố khách quan. Ngoài ra, chúng ta cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm cho phù hợp với tình hình thực tế. Cách tính điểm thế nào, cách trừ điểm thế nào thì phải cân nhắc, trừ điểm sau bao lâu thì số điểm đó được phục hồi lại.

Hiện nay, Mỹ, Anh, Singapore, Trung Quốc, Na Uy... đang áp dụng quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với những hành vi vi phạm luật giao thông để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông. Nhân tố quyết định thành công của quy định này xét cho cùng đều do con người. Dư luận quan tâm chính là tính nghiêm túc trong thực thi pháp luật. Muốn thực thi văn minh phải có con người hành xử văn minh, trước tiên ở từng người lái xe và lực lượng thực thi công vụ./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quy-dinh-nong-do-con-can-bao-dam-tinh-kha-thi-ha-noi-tin-moi-chieu-221128.htm