Quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 35/2024/QĐ-UBND ngày 17/9/2024 ban hành quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh.

Chất thải rắn y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại và chất thải rắn thông thường; chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.

Quy định gồm 3 chương và 11 điều quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế. Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại lây nhiễm theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh được chia làm 14 cụm, gồm: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hòa An, BVĐK và TTYT huyện Hà Quảng, TTYT huyện Nguyên Bình và BVĐK Tĩnh Túc, TTYT huyện Bảo Lạc, TTYT huyện Bảo Lâm, BVĐK và TTYT huyện Quảng Hòa, BVĐK và TTYT huyện Trùng Khánh, TTYT huyện Hạ Lang, TTYT huyện Thạch An. Các cụm BVĐK và TTYT huyện đều sử dụng công nghệ lò đốt đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế hiện hành; riêng cụm BVĐK tỉnh có thêm công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt, cụm TTYT huyện Hòa An có thêm hấp ướt kết hợp với nghiền cắt.

Về nguyên tắc thu gom: Cơ sở y tế phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế; chất thải y tế nguy hại phải được thu gom, phân loại riêng theo quy định, phân loại riêng với chất thải rắn thông thường ngay tại nguồn phát sinh, tại thời điểm phát sinh và được lưu giữ đúng thời gian quy định. Phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định, không làm thất thoát chất thải ra bên ngoài.

Chất thải y tế nguy hại phát sinh được xử lý tại chỗ hoặc chuyển giao xử lý dựa trên nguyên tắc xử lý tập trung theo mô hình cụm cơ sở y tế; chuyển giao cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý, hạn chế tối đa việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế. Trường hợp các cơ sở tự xử lý hoặc xử lý theo cụm cơ sở y tế nhưng công trình xử lý chất thải y tế nguy hại không đảm bảo hoặc sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải thì phải ký hợp đồng với cụm xử lý chất thải lây nhiễm khác trên địa bàn tỉnh hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Quy định thu gom chất thải lây nhiễm: Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom. Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế; trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao” được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu 1 lần/ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu 1 lần/ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là 1 lần/tháng.

Chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như chất thải rắn thông thường và được phép thu gom để tái chế. Khi chuyển giao chất thải, cơ sở y tế phải bảo đảm bao bì lưu chứa chất thải được buộc kín, bên ngoài bao bì có biểu tượng chất thải tái chế theo quy định. Chất thải nhựa được phân loại, thu gom để phục vụ mục đích tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với chất thải nguy hại lây nhiễm, các cơ sở y tế xử lý tại chỗ cần thực hiện vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại tại các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải rắn y tế của đơn vị để xử lý đảm bảo đúng pháp luật quy định về quản lý chất thải rắn y tế. Trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của cơ sở không đảm bảo hoặc sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải thì phải ký hợp đồng với cơ sở y tế của cụm xử lý chất thải lây nhiễm khác trên địa bàn toàn tỉnh hoặc họp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Các cơ sở y tế không đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ sẽ thực hiện xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế. Trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế không đảm bảo hoặc sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải thì phải ký hợp đồng chuyển giao, xử lý với cụm cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh. Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế, mô hình cụm cơ sở y tế, đơn vị thực hiện dịch vụ xử lý phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

Căn cứ theo quyết định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, Thành phố phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng họp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/quy-dinh-thu-gom-van-chuyen-va-xu-ly-chat-thai-ran-y-te-tren-dia-ban-tinh-3172226.html