Quy định trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách còn quá mờ nhạt?
Có ý kiến cho rằng quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách còn quá mờ nhạt.
Phát huy hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp là yêu cầu ngày càng mạnh mẽ trong yêu cầu đổi mới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đó là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội cũng là mong muốn của cử tri từ nhiều năm nay nhưng vẫn còn đó nhiều vướng mắc.
Nhiệm kỳ khóa 13, Quốc hội đã thực hiện được nhiều trọng trách trong chức năng của mình. Dấu ấn đậm nét là Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Nhiều văn bản luật quan trọng cũng được thông qua trong nhiệm kỳ này như Luật đất đai (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), các luật về tố tụng, Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi)... Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện nhiều chuyên đề giám sát, thực hiện chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong một nhiệm kỳ.
Quốc hội cũng có nhiều quyết sách có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước như dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và gần đây nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong từng quyết sách đó có vai trò đóng góp không nhỏ của các đại biểu Quốc hội trong đó có các đại biểu chuyên trách.
Tuy nhiên, nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có thể thấy vẫn có những tồn tại như tình trạng đại biểu vắng mặt trong các phiên họp, đại biểu ít thể hiện quan điểm trong các phiên thảo luận vẫn còn, trong đó có cả đại biểu chuyên trách.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng những điểm tồn tại này cần được đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan, là bài học cho quá trình lựa chọn các ứng cử viên trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14: “Đại biểu chuyên trách trong khóa 13 hoạt động rất tâm huyết, rất trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải đại biểu Quốc hội chuyên trách đã làm được tất cả. Chúng ta cũng phải đánh giá mặt thiếu sót, khuyết điểm như phát biểu tại hội trường chẳng hạn”.
Đã từng có những ý kiến tâm tư của chính những người trong cuộc về vị trí, vai trò, về địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong hoạt động của Quốc hội. Quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu chuyên trách còn quá mờ nhạt. Sự phân biệt giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và kiêm nhiệm chỉ dựa vào việc dành 1/3 hay toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị cần quan tâm đúng mức đến quy định về trách nhiệm và quyền hạn của đại biểu: “Phải khẳng định những tiêu chuẩn, điều kiện để được là đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ít ra anh có thâm niên công tác về chuyên môn và toàn tâm, toàn ý cống hiến cho Quốc hội, đồng thời, phải có một số kỹ năng cần thiết nhất. Còn tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, cá nhân tôi không quan tâm mà chỉ quan tâm đến chất lượng đại biểu chuyên trách thôi”.
Rõ ràng, chuyên trách, chuyên nghiệp không phải là cụm từ mới được đặt ra trong yêu cầu ngày càng mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Nhưng vẫn còn đó nhiều tồn tại cần khắc phục. Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cần sự đột phá trong tư duy, nhận thức và hành động ngay trong quá trình bầu cử.
“Để nâng cao chất lượng trong hoạt động của Quốc hội thì cần phải có số lượng đại biểu chuyên trách nhất định. Mỗi đoàn nên cơ cấu hai đại biểu chuyên trách. Để chuẩn bị cho đại biểu Quốc hội trong khóa 14 thì trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, cái chuẩn, cái chất của một con người thực sự, không phải chỉ ở số lượng mà nhất thiết phải có chất lượng”.
Tính chuyên trách của đại biểu Quốc hội chỉ là một yêu cầu để họ phải chuyên nghiệp hơn. Quan trọng là cần hoàn thiện quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho đại biểu phát huy thực quyền của mình. Bên cạnh đó, tự thân mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần có năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm với vai trò đại diện dân cử của mình. Đòi hỏi này xuất hiện ngay từ khi họ là các ứng cử viên đại biểu Quốc hội ./.