Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tại các trường đại học trong bối cảnh công nghiệp 4.0

THS. LÊ ANH ĐỨC (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng tạo ra không ít thách thức. Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ hơn về tuổi đời, đặc biệt là thế hệ sinh viên với khả năng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ đã tạo ra những làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành lập doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung trong công cuộc tái cấu trúc và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bài viết này làm rõ khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hạn chế của sinh viên trong việc tiếp cận các Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Qua đó, giới thiệu mô hình Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tại các trường đại học và vai trò của Quỹ trong thúc đẩy ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên Việt Nam.

Từ khóa: Sinh viên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đại học.

1. Khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp và là tiền đề quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh (Đỗ Anh Đức, 2020). Theo đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) là quá trình khởi nghiệp dựa trên các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh. Như vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải đảm bảo được hai yếu tố là “start” và “up”. “Start”có nghĩa là “bắt đầu”, “khởi đầu”,“Up” có nghĩa là “tăng, đi lên”. Do vậy startup là bắt đầu, khởi đầu một ý tưởng mới, hoặc nếu ý tưởng đó không mới thì cách làm phải đột phá và thường gắn với ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn cần liên quan đến khả năng thương mại hóa và quy mô của thị trường, nghĩa là ý tưởng đó phải có khả năng triển khai trong thực tế, có khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng, đồng thời phải có khả năng mở rộng được để phát triển trong thời gian càng nhanh càng tốt. Luật số 04/2017/QH14 của Quốc hội: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa định nghĩa: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh". Ông Trương Gia Bình, Chủ tich Tập đoàn FPT đã từng phát biểu rằng: “Khởi nghiệp là phải đổi mới sáng tạo. Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp lớn nhưng startup phải là khoa học công nghệ, là điều thế giới chưa từng làm, còn bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là khởi nghiệp”. Điều đó cho thấy, yếu tố tăng trưởng và ứng dụng khoa học công nghệ được nhấn mạnh và là điểm tạo nên sự khác biệt giữa khởi nghiệp thông thường và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Như vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể được định nghĩa là quá trình khởi nghiệp dựa trên các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh.

2. Thực trạng Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên tại Việt Nam 2.1. Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Business Startup Support Center - BSSC) do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh quản lý và được điều hành bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp. BSSC được thành lập theo Quyết định số 4532/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/10/2010 về tổ chức lại Trung tâm Thông tin Tư vấn Kinh tế Thanh niên thành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh.

Mục đích chính của Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp khuyến khích tinh thần kinh doanh, cổ vũ khát vọng làm giàu chân chính cho những người trẻ, trở thành nơi giao thoa và chuyển giao mọi kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực hữu ích từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài phạm vi quốc gia để tạo nền tảng bền vững cho quá trình khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam. Nguồn tài chính của Quỹ gồm có:

BSSC hiện nay là đơn vị duy nhất nhận được sự ủy thác nguồn vốn từ UBND TP. Hồ Chí Minh cho hoạt động hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh với số vốn ủy thác là 30 tỷ đồng (Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp). Mỗi năm, BSSC xét chọn và hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng cho các dự án kinh doanh tiềm năng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp do Trung tâm trực tiếp điều hành. Trung tâm còn có thể giúp các bạn trẻ khởi nghiệp huy động nguồn vốn từ các nguồn Quỹ của Đoàn, Hội, của Ngân hàng, của các nhà đầu tư cá nhân và các doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Hội đồng Bảo trợ BSSC: Hội đồng Bảo trợ là cơ quan cao nhất của Quỹ, bao gồm đại diện của các tổ chức sáng lập ra Quỹ và các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia, có quyền quyết định toàn bộ nội dung liên quan đến Quỹ và có trách nhiệm về mọi mặt của Quỹ. Hội đồng bảo trợ có nhiệm vụ:

- Hoạt động theo quy chế riêng;

- Giúp đỡ về mọi mặt cho hoạt động của Quỹ phát triển;

- Đề ra chủ trương, phương hướng hoạt động của Quỹ;

- Quyết định các biện pháp huy động nhằm tăng nguồn vốn của Quỹ;

- Lựa chọn các cá nhân, đơn vị cần hỗ trợ giúp đỡ, các giải pháp kỹ thuật cần áp dụng để có kế hoạch hỗ trợ.

Đối tượng hỗ trợ của BSSC: Thanh niên có nguyện vọng làm kinh tế, có dự án kinh doanh nhưng thiếu vốn; Thanh niên thuộc gia đình diện nghèo, có sức lao động, phương án sử dụng vốn; Thanh niên nhu cầu làm kinh tế tại một số vùng nông thôn mới.

Một số yêu cầu khi vay vốn từ BSSC: Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; Có dự án đầu tư, dự án kinh doanh đang hoạt động; Dự án mang tính khả thi và có hiệu quả; Lĩnh vực kinh doanh không bị pháp luật cấm; Mục đích sử dụng vốn vay hợp lý và hợp pháp; Thực hiện đăng ký kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật; Không thuộc các đối tượng đã được sử dụng các nguồn Quỹ do Đoàn - Hội giới thiệu hoặc ủy thác.

Hình thức hỗ trợ của BSSC: Hỗ trợ về tài chính: Cho vay tín chấp, đầu tư; Hỗ trợ đào tạo: tư vấn, chuyên gia; Vườn ươm doanh nghiệp.

2.2. Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam

Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF) sẽ huy động vốn cho Quỹ từ các thành viên góp vốn, các tổ chức, cá nhân trong xã hội... Đặc biệt là các tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, Quỹ Phát triển hệ sinh thái cho cộng đồng Khởi nghiệp Việt Nam, kết nối Cộng đồng Doanh nghiệp Khởi nghiệp (Start-ups), Hệ thống Hỗ trợ doanh nghiệp (Business Acceelerator) và các Quỹ Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital).

Đối tượng hỗ trợ của SVF: Quỹ khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học có ý tưởng, phương án lập doanh nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng Khoa học và công nghệ nhưng thiếu vốn tài chính, nguồn lực đề thực hiện.
Hình thức hỗ trợ của SVF: Quỹ đầu tư thông qua việc tài trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật, tư vấn, kết nối đối tác, mở rộng thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các hoạt động thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến chuyển giao, đầu tư đổi mới hoàn thiện công nghệ.

2.3. Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh

Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF) được khởi xướng và sáng lập bởi Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, đồng sáng lập bởi Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) sẽ là những đơn vị đầu tiên hưởng ứng với vai trò góp vốn đầu tư cho Quỹ. Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo phấn đấu đạt qui mô nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020 là 100 tỷ đồng.

Phương thức hỗ trợ của HFIC: đầu tư mạo hiểm.

Đối tượng đầu tư của HFIC:

- Là các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phải có ít nhất 01 nhà sáng lập có tuổi đời dưới 35 tuổi.

- Quỹ có cơ chế ưu tiên đầu tư cho các dự án tốt, đã từng vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp do Hội Hồ Chí Minh Thành phố quản lý và điều hành.
- Ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp và không giới hạn các lĩnh vực ngành nghề sẽ tham gia đầu tư. Quyết định đầu tư tùy thuộc vào đánh giá của Hội đồng quản lý Quỹ về tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.
- Khuyến khích các doanh nghiệp có định hướng công nghệ: Ứng dụng trên Mobile, Internet, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp... có tiềm năng áp dụng với qui mô rộng tại Việt Nam và các nước có điều kiện phát triển tương tự trong khu vực và thế giới;

2.4. Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam

Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (The Vietnam Innovative Startup Accelerator - VIISA) là một trong những chương trình tăng tốc khởi nghiệp uy tín tại Việt Nam được điều hành bởi các công ty lớn là FPT, Dragon Capital Group và Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc). VIISA thu hút các ý tưởng khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn ý tưởng đã được đưa vào thực tiễn kinh doanh.

VIISA dựa trên các tiêu chí: Có một đội ngũ mạnh để thực hiện ý tưởng kinh doanh; ý tưởng công nghệ đã được ứng dụng trên thực tế; khả năng mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững trong tương lai, VIISA sẽ lựa chọn startup vào vòng đào tạo kéo dài 3 tháng. Mỗi startup được VIISA đầu tư 30.000 USD (trong đó có 15.000 USD tiền mặt và các chi phí khác như nhà ở, văn phòng, kỹ thuật...). Không chỉ nhận được sự đầu tư về vốn và cơ sở vật chất, trong 3 tháng qua, các startup trong chương trình đào tạo của VIISA còn được đào tạo nhiều kỹ năng quan trọng trong khởi nghiệp như phát hiện và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, gọi vốn, bán hàng,... từ những nhà đầu tư và doanh nghiệp hàng đầu khu vực như NSI Ventures, Golden Gate Ventures, FPT, Dragon Capital Group,... Ngoài ra, VIISA cũng sẽ tiếp tục dành từ 200.000 - 500.000 USD để đầu tư cho các startup.
Thực trạng của một số Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên cho thấy sinh viên hiện nay vẫn còn khó tiếp cận được với nguồn vốn từ các Quỹ này, do đối tượng hỗ trợ thường là các dự án phải có người bảo lãnh hoặc phải có sản phẩm cụ thể. Điều này là trở ngại lớn đối với các sinh viên khi đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới tốt nghiệp, kinh nghiệm tích luũy còn ít và chưa được hỗ trợ từ khi còn đang theo học. Bên cạnh đó, một số quỹ cũng giới hạn theo khu vực, nên những sinh viên ở các khu vực khác cũng khó có cơ hội tiếp cận vốn. Bởi bên cạnh việc đầu tư cho dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của bản thân, sinh viên vẫn còn đang theo học chương trình học chính khoóa trong Trường nên khoảng thời gian di chuyển hay tới các không gian khởi nghiệp của Quỹ còn nhiều hạn chế.

3. Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tại các trường đại học trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những bước nhảy vọt về năng suất lao động trong các ngành nghề nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức đối với lực lượng lao động khi máy móc sẽ dần thay thế lao động chân tay và dần thay thế cả những lao động có kỹ thuật và nhân viên văn phòng (Đỗ Anh Đức, 2020). Khả năng đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định sống còn của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các giá trị tri thức mới được tạo ra trong các trường đại học thông qua quá trình trình giảng dạy và nghiên cứu cũng cần được quan tâm đưa vào đời sống xã hội, vào sản xuất và kinh doanh (Đỗ Anh Đức và Trương Thị Huệ, 2018). Trường đại học cần có những chiến lược và hành động cụ thể, để bắt kịp xu thế đổi mới của xã hội, thể hiện vai trò tiên phong của mình để thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Rotefoss và cộng sự (2005) kết luận rằng giáo dục có ý nghĩa nhiều hơn đối với các doanh nhân mới khởi nghiệp. Hynes và cộng sự (2007) thừa nhận rằng, giáo dục có ý nghĩa đối với khởi nghiệp và nó không chỉ giới hạn trong trường đại học. Vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng các loại hình Quỹ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên là rất cần thiết đối với các trường đại học tại Việt Nam có định hướng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sinh viên.

Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên là loại hình Quỹ thuộc sở hữu tập thể, có tính chất xã hội (đầu tư phi lợi nhuận), có phạm vi trong một đơn vị/ tổ chức và nằm trong hệ thống Quỹ hoộ̃ trợ. Đây là Quỹ chuyên biệt, là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới các ý tưởng và dự án khởi nghiệp của sinh viên. Bên cạnh đó, Quỹ cũng huy động các nguồn vốn, đầu tư tài chính cho các đề tài, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do sinh viên làm chủ trì. Mục đích của Quỹ là tìm kiếm và thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo và giúp sinh viên có thể hiện thực hoóa các ý tưởng khởi nghiệp của mình, đầu tư kinh phí hoàn toàn không vì lợi nhuận.

Tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên đã được pháp lý hóa trong các văn bản pháp lý sau: Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” ký ngày 18/05/2016.

Trong đó có quy định rõ “Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ kinh phí cho việc thuê địa điểm, gian hàng, trưng bày, vận chuyển trang thiết bị, truyền thông cho các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực, tại các địa phương, đơn vị cơ sở.” Về tổ chức và hoạt động của Quỹ, “Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận”. Về kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ghi rõ: “Khuyến khích sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

4. Vai trò của Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên tại các trường đại học

Thứ nhất, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên trong các trường đại học sẽ đáp ứng nhu cầu tài chính khi bắt đầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo là một quá trình thực sự khó khăn và rủi ro, tỷ lệ thành công của khởi nghiệp sáng tạo hiện nay là không quá 10%. Giai đoạn khởi sự là thời kỳ gian nan nhất trong vòng đời của các dự án khởi nghiệp. Đa phần sinh viên khi bắt tay vào một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đều sẽ thiếu kinh nghiệm, gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư thấp.

Do vậy, việc tìm kiếm nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư, ngân hàng thương mại là không thực hiện được do không chứng minh được năng lực, tài sản đảm bảo, chứng minh tính khả thi và hiệu quả của phương án vay vốn, hồ sơ chứng từ giải ngân. Mặt khác, các nhà đầu tư hoặc ngân hàng đều chưa có cơ sở và căn cứ để tin tưởng vào các dự án của sinh viên. Bởi vậy, việc tiếp cận vốn của sinh viên khởi nghiệp là điều rất khó khăn, dẫn đến các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên không thể triển khai và biến thành hiện thực. Do đó, cần thiết phải ra đời Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên trong các trường đại học, một phần vừa là cầu nối giữa các dự án khởi nghiệp của sinh viên với nguồn vốn, một phần đầu tư cho các dự án, ý tưởng khoa học công nghệ trong chặng đường khó khăn đầu tiên của quá trình khởi nghiệp.

Thứ hai, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên trong các trường đại học góp phần thúc đẩy ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên. Với mục đích góp phần giúp sinh viên có kinh phí thực hiện dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên trong các trường đại học sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy ý định và khả năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều này cũng sẽ giúp nhà trường định hướng về nghề nghiệp cho sinh viên, tận dụng và phát huy nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Kolvereid và cộng sự (2006) phát hiện ra người có cảm hứng khởi nghiệp có ý định khởi nghiệp cao hơn người có cảm nhận rủi ro khi khởi nghiệp.

Thứ ba, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên trong các trường đại học góp phần phát triển và nhân rộng phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Tìm kiếm và thúc đẩy ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên đồng nghĩa với việc Quỹ có vai trò gián tiếp trong việc phát triển và nhân rộng phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên trong nhà trường. Thực tế cho thấy, hiện nay phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên đã dần phổ biến nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ tham gia cho có phong trào, có thành tích, vì lý do chính là thiếu vốn đầu tư. Với quy mô tại các cuộc thi, sân chơi thì số tiền nhận được từ giải thưởng sau cuộc thi không đủ để các sinh viên có thể hiện thực hoóa những ý tưởng và đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của mình.

Mặc dù, Nhà trường rất tạo điều kiện và chú trọng cho sinh viên nghiên cứu và phát huy các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng với kinh phí hạn chế, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên phần lớn vẫn phải tự thân vận động. Như vậy, có thể nhận thấy tầm quan trọng của việc hình thành một nguồn vốn dành riêng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong môi trường giáo dục đại học hiện nay. Vì nó đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, thúc đẩy được sự đổi mới sáng tạo và quyết tâm của sinh viên khi nghiên cứu và triển khai dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của bản thân, từ đó phát triển được phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong nhà trường.

Thứ tư, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên trong các trường đại học có vai trò kết nối các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên. Vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, để có thể phối hợp và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía thì lại chưa làm được, nhiều mô hình xuất hiện một cách tự phát, tổ chức thực hiện chưa sâu và chưa đến được với các dự án thực sự cần hỗ trợ. Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường ra đời sẽ huy động, kết nối các nhà đầu tư, cơ quản quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính, chuyên gia trong cùng một chương trình hỗ trợ theo hướng chuyên nghiệp và chuyên môn hóa hơn.

Ngoài ra, Quỹ cũng là địa chỉ để thu hút các nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài, các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, trở thành kênh kết nối quan trọng giữa nhà đầu tư và người có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tính khả thi và hiệu quả, kết nối các tấm gương khởi nghiệp đạt nhiều thành công, giàu kinh nghiệm với các sinh viên trẻ đang ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cùng nhau hợp tác.

5. Kết luận

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay. Đổi mới sáng tạo không chỉ cần khi người ta bắt đầu mở ra một doanh nghiệp mới, mà còn cần thiết trong suốt quá trình hoạt động của mọi doanh nghiệp, vì nó giúp họ đổi mới không ngừng để thích ứng với bối cảnh và tạo ra thế mạnh cạnh tranh. Vì vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được gieo trồng, vun đắp trong quá trình đào tạo ở đại học. Truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên và trang bị cho họ những kiến thức kỹ năng cần cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính là nhà trường đang tạo ra những người chủ doanh nghiệp thành công trong tương lai.

Hơn thế nữa, trường đại học còn có thể đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra môi trường khích lệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong xã hội, thông qua kết nối với giới doanh nghiệp và giới làm chính sách và tham gia vào những dự án nhằm cải thiện môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó chính là cách tăng cường sứ mạng thứ ba của nhà trường, gắn kết nhà trường với xã hội nhằm tái định hình trường đại học. Việc xây dựng một mô hình Quỹ chuyên biệt đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong trường đại học vào thời điểm này sẽ là cơ hội tốt để Trường phát hiện và thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo của người học. Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên hoàn toàn có tính khả thi cao khi được áp dụng thành lập, đáp ứng nhu cầu về tài chính khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Đỗ Anh Đức (2020). Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 33, 57-60.
Đỗ Anh Đức, Trương Thị Huệ (2018). Xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, số 512, 25-27.
Hynes, B., Richardson, I. (2007). Entrepreneurship education: A mechanism for engaging and exchanging with the small business sector. Education and Training, 49(8-9), 732 - 744.
Kolvereid, L., Isaksen, E. (2006). New business start-up and subsequent entry into self-employment. Journal of Business Venturing, 21, 866 - 885.
Rotefoss, B., Kolvereid, L. (2005). Aspiring, nascent and fledging entrepreneurs: an investigation of the business startup process. Entrepreneurship and Regional Development, 17(2), 109 - 127.

The startup funds for students in Vietnam in the context

of Industry 4.0

Master. Le Anh Duc

National Economics University

ABSTRACT:

Industry 4.0 brings many opportunities for development but also creates many challenges and Vietnam has experienced the rise of a younger generation of entrepreneurs in terms of age, especially the generation of students with innovative ability and strong entrepreneurial spirit. This generation of entrepreneurs has created waves of start-up and business establishment, contributing to the overall development of Vietnam. This paper clearly presents the concept of startup and the limitations of students in accessing the startup funds in Vietnam. This paper also introduces the starup funds for students and the role of these funds in promoting the entrepreneurship of Vietnamese students.

Keywords: Students, startups, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-danh-cho-sinh-vien-taicac-truong-dai-hoc-trong-boi-canh-cong-nghiep-40-76472.htm