Quỹ hỗ trợ nông dân - 'đòn bẩy' giúp nông dân huyện Kim Bôi vượt khó
Việc hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất là một trong những hoạt động được các cấp Hội Nông dân huyện Kim Bôi triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Bên cạnh nguồn vốn vay ủy thác từ hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng, nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tạo điều kiện giúp nông dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống, làm giàu cho gia đình và địa phương.
Việc hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất là một trong những hoạt động được các cấp Hội Nông dân huyện Kim Bôi triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Bên cạnh nguồn vốn vay ủy thác từ hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng, nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tạo điều kiện giúp nông dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống, làm giàu cho gia đình và địa phương.
Để phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, bên cạnh hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Hội Nông dân các cấp huyện Kim Bôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, tích cực đóng góp xây dựng quỹ. Đồng thời, huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân và tranh thủ từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, 17/17 xã, thị trấn trong huyện xây dựng được Quỹ hỗ trợ nông dân. Cùng với nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, toàn huyện có tổng nguồn vốn 6,75 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Bôi cho biết: "Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã chủ động lựa chọn những tổ hội nghề nghiệp, mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai, thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên các tổ hội nghề nghiệp trồng những cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, hỗ trợ vốn vay cho những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, thường xuyên phối hợp các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Hội Nông dân huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả”.
Ông Bùi Văn Đông, xóm Khoang, xã Xuân Thủy là một trong những hộ được tiếp cận sớm với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2013 ông cùng 7 hộ khác được vay 350 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để triển khai Dự án nâng cao chất lượng nhãn Sơn Thủy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện tại, ông Đông đã xây dựng được gia trại có quy mô 1,2 ha trồng nhãn. Mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 7 - 10 tấn nhãn, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 350 triệu đồng. Ông Đông chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây rất khó khăn. Đất đai có, nhân lực có nhưng không có vốn để phát triển sản xuất. Sau khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay một số vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời cho tôi tham gia lớp tập huấn về thâm canh cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã tự tin để đầu tư phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất của gia đình. Quá trình làm, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân xã, từ đó tiếp thêm động lực để tôi vươn lên. Hiện tại, gia đình tôi đã trả được nợ và đóng góp xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”.
Trong 12 năm qua, toàn huyện Kim Bôi có 22 dự án được giải ngân với 124 hộ vay, trong đó có 17 dự án chăn nuôi và 5 dự án trồng trọt, tổng dư nợ 6,33 tỷ đồng. Tiêu biểu như các dự án: sản xuất và tiêu thụ ớt ở xã Đú Sáng; chăn nuôi lợn bản địa ở xã Vĩnh Tiến; trồng cây thanh long ở xã Sào Báy… Từ thực tế cho thấy, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.