Quy hoạch Đồng Nai: Khai thác lợi thế có 2 sân bay dân sự

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Đồng Nai trở thành trung tâm giao thương quốc tế với nền dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hiện đại và toàn diện.

Toàn cảnh công trường thi công nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Toàn cảnh công trường thi công nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Tăng cường hạ tầng kết nối các địa phương với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa; kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng kinh tế-xã hội và hai khu vực động lực của tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu đô thị, hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với 6 hành lang và 3 vành đai. Đây là những nội dung trọng tâm triển khai công tác quy hoạch được tỉnh Đồng Nai làm “kim chỉ nam” thực hiện.
Lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm

Thi công cọc khoan nhồi móng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Thi công cọc khoan nhồi móng nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Khai thác lợi thế của tỉnh duy nhất có 2 sân bay dân sự

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết thời gian tới, Đồng Nai xác định 5 đột phá phát triển; trong đó, khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. Tỉnh hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD).

“Xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải cac-bon; tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ”, ông Võ Tấn Đức cho biết.

Đối với phương án liên kết không gian của tỉnh, Đồng Nai xác định tỉnh xây dựng trên cơ sở phát triển “6 hành lang” và “3 vành đai”. Trong đó, 6 hành lang phát triển gồm: hành lang sông Đồng Nai; hành lang Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 51; hành lang Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Phan Thiết; hành lang Quốc lộ 1 và Đường sắt Bắc - Nam; hành lang Quốc lộ 20 và Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; hành lang Cao tốc Bến Lức - Long Thành. 3 vành đai phát triển gồm: Vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh; vành đai Quốc lộ 56 - Đường tỉnh 762; vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận, sau thời gian dài tăng trưởng mức cao, Đồng Nai đã có dấu hiệu chững lại. Kinh tế - xã hội tỉnh đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở quá trình phát triển.

“Tuy nhiên, được sự quan tâm của Trung ương, những năm qua Đồng Nai được đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi giao thương kết nối tỉnh Đồng Nai với các tỉnh, thành của cả nước. Đặc biệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang mở bầu trời để Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trong khu vực và quốc tế”, ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vấn đề hạ tầng giao thông khu vực sân bay, phải được kết nối đồng bộ, hoàn thiện và nhanh chóng.

“Để kết nối hạ tầng giao thông vùng đồng bộ với sân bay Long Thành, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD. Hiện nay, Đồng Nai đang tích cực tìm nguồn vốn vay để thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Tỉnh sẽ sớm công bố 100 dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành nhằm thu hút các dự án đầu tư để đồng bộ hạ tầng dịch vụ, du lịch khi sân bay đi vào hoạt động (dự kiến tháng 9/2026)”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến năm 2030, tỉnh lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới cho tỉnh, gồm: Khu vực đô thị sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng; phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khu vực hành lang sông Đồng Nai, tỉnh lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động.

Với hàng loạt các dự án đã và đang triển khai như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa… đã đưa Đồng Nai trở thành “đại công trường” của các dự án trọng đểm quốc gia.

Sỹ Tuyên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quy-hoach-dong-nai-khai-thac-loi-the-co-2-san-bay-dan-su/348040.html