Quy hoạch dự án nghĩa trang tại huyện Thanh Trì: Sẽ dựa theo quy định và tình hình thực tế

Hiện nay, quỹ đất nghĩa trang nhân dân của các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì còn rất ít, theo phản ánh của người dân, chỉ khoảng 5 tới 10 năm nữa, quỹ đất nghĩa trang của các xã thuộc huyện Thanh Trì sẽ không còn đủ để phục vụ chôn cất, mai táng.

Do lo lắng nguồn quỹ đất xây dựng nghĩa trang ngày càng hạn hẹp, tại kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa XV, đại diện cử tri huyện Thanh Trì đã kiến nghị lên HĐND Thành phố xem xét có cơ chế chính sách cho phép UBND các xã trên địa bàn huyện được quy hoạch và xã hội hóa đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang giống với mô hình Nghĩa trang Văn Điển để chỉ có những người hỏa táng, cải táng mới được đưa vào đây chôn cất nhằm giải quyết vấn đề quỹ đất nghĩa trang, đảm bảo vệ sinh môi trường và chương trình vận động hỏa táng trên địa bàn Thành phố.

Người dân lo lắng vì diện tích đất nghĩa trang của các xã thuộc huyện Thanh Trì ngày càng bị thu hẹp.

Người dân lo lắng vì diện tích đất nghĩa trang của các xã thuộc huyện Thanh Trì ngày càng bị thu hẹp.

Trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề này, đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội đã thông tin báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội tới cử tri huyện Thanh Trì: Thứ nhất về quy hoạch nghĩa trang, theo quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 496/QĐ – TTg ngày 08/04/2014 quy định trên địa bàn huyện Thanh Trì không quy hoạch nghĩa trang có mô hình hỏa táng để đầu tư xây dựng mới, ngoài nghĩa trang Văn Điển hiện có cơ sở hỏa táng.

Đối với nghĩa trang cấp xã, trong Quy hoạch trên cũng chỉ rõ: Hiện tại, tiếp tục sử dụng các nghĩa trang hiện có, có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không đảm bảo khoảng cách cự ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang. Di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch.

Cùng đó, mỗi xã có từ 1 tới 2 nghĩa trang tập trung cấp xã (tùy thuộc diện tích, địa giới hành chính và quy mô dân số theo quy hoạch xây dựng trong các quy hoạch xây dựng nông thôn mới). Vị trí cụ thể các nghĩa trang xã được xác định trong các quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, về phân cấp quản lý nghĩa trang, tại Khoản 2, Điều 18, Quyết định số 41/2016/QĐ – UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định: Cấp huyện đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng các nghĩa trang còn lại (bao gồm cả nhà tang lễ trong khuôn viên nghĩa trang) trên địa bàn; Quản lý, duy tu, bảo trì các nghĩa trang, nhà tang lễ do cấp huyện, cấp xã đầu tư; Quản lý các nội dung khác có liên quan.

Về quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn Thành phố Hà Nội ban hành tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 4 quyết định số 30/2017/ QĐ – UBND ngày 11/9/2017 của UBND Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 5 của quyết định này cũng quy định rõ về quản lý nghĩa trang xã hội hóa, trong đó nêu rõ UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang tại các nghĩa trang xã hội hóa trên địa bàn.

Như vậy, các vấn đề kiến nghị của cử tri liên quan đến việc đầu tư xây dựng quản lý nghĩa trang cấp xã đã có các quy định nêu trên điều chỉnh, do vậy UBND Thành phố Hà Nội không phải ban hành thêm các văn bản về cơ chế chính sách đối với lĩnh vực này. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án nghĩa trang, nếu có khó khăn vướng mắc, UBND huyện Thanh Trì cần liên hệ với các Sở, ngành liên quan để được hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến kiến nghị của người dân về việc chỉ có những người hỏa táng, cải táng mới được đưa vào đây chôn cất, UBND Thành phố Hà Nội cho biết sẽ quy định cụ thể trong quy hoạch mỗi dự án nghĩa trang của mỗi xã theo tình hình thực tế và các quy định nêu trên.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quy-hoach-du-an-nghia-trang-tai-huyen-thanh-tri-se-dua-theo-quy-dinh-va-tinh-hinh-thuc-te-92534.html