Quy hoạch hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia có gì mới?

Chiều 10-11, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có mật độ sông kênh vào loại cao nhất trên thế giới, bao gồm 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 41.900 km với trên 120 cửa sông. ĐTNĐ đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa, vận chuyển hầu hết vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho than, điện, xi măng và hàng siêu trường, siêu trọng với chi phí thấp và ít ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch xác định kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố quy hoạch hạ tầng đường thủy nội địa.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố quy hoạch hạ tầng đường thủy nội địa.

Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Ưu tiên nguồn lực Nhà nước cho hạ tầng luồng, tuyến, vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng, bến thủy nội địa, luồng chuyên dùng.

Mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách. Phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000km.

Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics và là một trong những phương thức vận tải chiếm thị phần vận tải hàng hóa lớn.

Theo quy hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.908 ha. Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 8.765 ha. Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 dự kiến khoảng 157.533 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 28.919 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác khoảng 128.614 tỷ đồng.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trọng tâm 5 năm tới, bộ sẽ cố gắng cụ thể hóa 9 hành lang vận tải để khai thác đường thủy nội địa, đó là tuyến hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, qua Kiên Giang, đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa Bắc-Nam, giảm tải đường bộ và đường sắt.

Ở khu vực phía Bắc, 4 luồng quan trọng gồm: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai; Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình, Hà Nội-Nam Định-Ninh Bình. Bộ GTVT sẽ huy động vốn xã hội hóa để xây các cảng nội địa kết nối với vận tải đường bộ hàng hóa xuống đường thủy.

Ở phía Nam, có 4 hành lang gồm TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, TP Hồ Chí Minh-An Giang-Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu-Tây Ninh-TP Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu. Hiện nay, cả nước có 1.800 phương tiện hoạt động ven bờ từ 5.000-23.000 tấn, nếu một con tàu vận chuyển dọc theo bờ biển sẽ tải được hàng hóa lớn thay thế cho hàng nghìn ôtô.

Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp mua tàu biển, hình thành doanh nghiệp vận tải ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải của đất nước.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/quy-hoach-ha-tang-duong-thuy-noi-dia-quoc-gia-co-gi-moi-677045