Quy hoạch lại cụm công nghiệp Đồng Nai

Đến năm 2030, Đồng Nai được giữ lại 20 cụm công nghiệp (CCN) trong tổng số các CCN đã quy hoạch trước đó. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh kiến nghị bổ sung thêm 11 khu vực để thu hút đầu tư xây dựng CCN mới nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Đoàn công tác của Sở Công thương kiểm tra thực tế một cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:V.Gia

Đoàn công tác của Sở Công thương kiểm tra thực tế một cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:V.Gia

Tuy nhiên, tình hình phát triển, xây dựng hạ tầng CCN vẫn hết sức chậm. Các CCN do Nhà nước quản lý, đơn vị sự nghiệp làm chủ đầu tư thì chưa hoàn thiện hạ tầng. Hàng loạt CCN khác chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và cũng có nhiều CCN chưa kêu gọi được nhà đầu tư.

Địa phương không đủ kinh phí để nâng cấp hạ tầng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 CCN do cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư gồm: Gốm sứ Tân Hạnh, chủ đầu tư là UBND thành phố Biên Hòa; Phú Thạnh - Vĩnh Thanh, chủ đầu tư là UBND huyện Nhơn Trạch; Hố Nai 3, chủ đầu tư là Phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom; Thạnh Phú - Thiện Tân, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu. Bên cạnh đó, một CCN được hình thành trên cơ sở khoanh vùng các DN đã hoạt động từ trước nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CCN Dốc 47 ở thành phố Biên Hòa.

Các CCN nêu trên, các địa phương đang đề xuất thực hiện điều chỉnh, lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng giao cho trung tâm dịch vụ công ích cấp huyện làm chủ đầu tư.

Đồng Nai đang quy hoạch các CCN để di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư không phù hợp quy hoạch và thu hút thêm các DN nhỏ và vừa, các cơ sở nghề truyền thống. DN, cơ sở sản xuất vào các CCN sản xuất sẽ đảm bảo về môi trường và sản xuất quy chuẩn hơn.

Thực tế hiện nay, mới chỉ một số CCN như Gốm sứ Tân Hạnh, Phú Thạnh - Vĩnh Thanh là cơ bản đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật cho các DN sản xuất. Tại một số CCN, dù đã có nhiều dự án đi vào hoạt động từ trước nhưng hiện nay chưa hoàn thành các hạng mục như: đường giao thông, xử lý nước thải, thoát nước..., thậm chí chưa có chủ đầu tư hạ tầng.

Đơn cử như CCN Dốc 47 đã nói ở trên, hiện vẫn chưa có chủ đầu tư hạ tầng dù đã có nhiều DN đang hoạt động trong khu vực quy hoạch. Hay như CCN Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có 30 DN thứ cấp đang hoạt động, lấp đầy 100% đất cho thuê nhưng chưa được đầu tư hệ thống thu gom nước thải và trạm xử lý nước thải tập trung nên chưa đảm bảo đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Tại huyện Vĩnh Cửu, CCN Thạnh Phú - Thiện Tân chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng, trong đó việc đầu tư hạ tầng giao thông tốn kém lớn. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án huyện thì cần khoảng 500 tỷ đồng để đầu tư. Nhưng hiện tại, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của huyện đã cạn, trong khi việc huy động vốn góp của các DN trong CCN lại chưa thực hiện được nên địa phương xin “lùi” thời hạn hoàn thành hạ tầng của cụm.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Lê Nguyễn Song Toàn, nhiều dự án CCN chưa triển khai được do vướng mắc liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với các diện tích đất giao thông, sông suối, đất lúa, đất rừng. Đây là những nhiệm vụ rất lớn và không dễ dàng mà địa phương phải giải quyết trong thời gian tới.

Rà soát cụ thể nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch di dời

Hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, CCN và đã giao cho các địa phương tiến hành khảo sát, lập đề án di dời cấp huyện, trên cơ sở đó thực hiện đề án chung cho toàn tỉnh. Qua khảo sát, nhu cầu của các DN ở các địa phương muốn di dời vào khu sản xuất tập trung khá lớn.

Đối với huyện Long Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lê Hoàng Sơn cho biết, địa phương đã khảo sát và có 140 DN có nhu cầu di dời. Khó khăn là hiện chưa có cơ chế, chính sách về hỗ trợ, di dời; việc đầu tư hạ tầng tại các CCN chưa hoàn thiện nên cũng là trở ngại trong công tác vận động DN di dời.

Tương tự, tại huyện Thống Nhất, theo Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ngô Văn Dũng, huyện thống kê sơ bộ được 81 cơ sở phải di dời, hiện nay địa phương chưa có chỗ. Khó khăn nữa là có một số cơ sở, DN mới thành lập và hoạt động được vài năm; nếu di dời sẽ phải đầu tư kinh phí lớn nên các đơn vị, DN này mong muốn được kéo dài thời hạn di dời...

Tại buổi làm việc về tiến độ đầu tư hạ tầng CCN vào ngày 24-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị các sở, ngành nghiên cứu kỹ các quy định về Luật Đầu tư, Luật Đất đai..., có phương án đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng. Rà soát lại các DN không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo về vấn đề môi trường để có phương án xử lý. Các địa phương tiếp tục hoàn thành đề án đề xuất lộ trình di dời DN vào các CCN trên địa bàn.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/quy-hoach-lai-cum-cong-nghiep-dong-nai-8c80438/