Quy hoạch mạng lưới trường lớp: 'Đuổi hình bắt bóng'

Tăng dân số cơ học là một trong những nguyên nhân khiến trường lớp ở một số quận của Đà Nẵng trong tình trạng quá tải.

Do quỹ đất có hạn nên tình trạng quá tải tại các trường nội thành TP Đà Nẵng vẫn diễn ra.

Do quỹ đất có hạn nên tình trạng quá tải tại các trường nội thành TP Đà Nẵng vẫn diễn ra.

Ngành GD-ĐT không thể nắm được vấn đề di dân, di cư; không chủ động được trong việc tìm quỹ đất xây dựng trường lớp. Do vậy, dành quỹ đất dự trữ cho giáo dục là cần thiết và phải được nêu trong quy hoạch dài hạn.

5 năm xin chuyển đổi địa điểm trường học

Tháng 3/2019, UBND TP Đà Nẵng có quyết định về việc bàn giao trụ sở của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng (gọi tắt là Hội Bảo trợ) cho Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu) sử dụng làm cơ sở dạy học. Đến tháng 9/2019, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND TP Đà Nẵng có văn bản thông báo, theo đó, giao UBND quận Hải Châu trình Sở Tài chính phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất trên địa bàn quận; khảo sát, lập thủ tục cải tạo, sửa chữa Trường Mầm non Cẩm Vân. Việc bàn giao nhà, đất tại số 411 đường Phan Châu Trinh cho Trường Mầm non Cẩm Vân phải hoàn thành trong tháng 12/2019. Thế nhưng, việc bàn giao vẫn “treo” cho đến nay.

Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân cho biết: Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch Đầu tư vẫn chưa thống nhất được phương án bàn giao nhà, đất số 4111 đường Phan Châu Trinh. Quan điểm của Sở Xây dựng là chỉ cải tạo lại trụ sở của Hội Bảo trợ vì tòa nhà này mới xây dựng năm 2014. Trong khi đó, Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trương xây mới toàn bộ. Vì thế, trường vẫn phải tổ chức dạy học tại 2 cơ sở nhỏ, hẹp nằm trong hẻm.

Tổng cộng cả 2 cơ sở của Trường Mầm non Cẩm Vân hiện nay chưa đến 400m2. Cơ sở nằm ở mặt tiền đường Trưng Nữ Vương chỉ rộng chưa tới 90m2, thiết kế mỗi tầng một phòng học. Cơ sở chính của trường nằm sâu trong khu dân cư với lối vào rất chật hẹp. Phương án phòng cháy chữa cháy của nhà trường gần như là không khả thi trong trường hợp nếu có sự cố. Trường Mầm non Cẩm Vân đã có 5 năm theo đuổi đề xuất xin chuyển địa điểm. Trước đó, nhà trường xin được sử dụng trụ sở cũ của Sở LĐ-TB&XH nhưng không được chấp thuận.

Theo tính toán của ban giám hiệu (BGH) Trường Mầm non Cẩm Vân, nếu chỉ cải tạo Hội Bảo trợ vẫn không đủ chỗ nếu chuyển toàn bộ trẻ của 2 cơ sở. “Diện tích đất của Hội Bảo trợ là 800m2. Nếu xây mới với thiết kế khoảng 3 - 4 tầng mới đáp ứng các tiêu chuẩn trường học” - cô Lai thông tin.

Có những trường học dù nằm trong hẻm sâu, giữa khu dân cư đông đúc nhưng không thể di dời được, như Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (quận Thanh Khê) vì xung quanh khu vực không còn quỹ đất. Quận Thanh Khê vẫn còn một số trường mầm non có 4 - 5 cơ sở nhỏ lẻ, trong đó có những cơ sở nằm sâu trong khu dân cư như Trường Mầm non Phong Lan, Mẫu Đơn… Khu vực nội đô của Đà Nẵng không còn đất để xây dựng mới các trường học, trong khi các trường học hiện có đã được cơi nới tối đa, thu hẹp sân chơi, cảnh quan trường học cũng bị phá vỡ. Không chỉ riêng khu vực nội đô, ngay như quận Liên Chiểu, để tìm đất xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng phải mất hơn một năm kể từ khi UBND thành phố có quyết định xây dựng trường.

Lối vào Trường Mầm non Cẩm Vân chật hẹp, hai bên kiệt hẻm có nhiều hàng quán.

Lối vào Trường Mầm non Cẩm Vân chật hẹp, hai bên kiệt hẻm có nhiều hàng quán.

Thiếu trầm trọng quỹ đất xây trường

Việc tăng dân số cơ học ở một số phường của quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ do tập trung các khu công nghiệp, hình thành các khu chung cư, khu dân cư mới khiến các trường học bị quá tải. Như 7 block chung cư tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) sử dụng năm 2014 khiến Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương năm đó phải chuyển từ dạy - học từ 2 buổi/ngày sang 1 buổi/ngày để đủ phòng học. Sau đó, trường này được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học nhưng cũng chưa giải quyết triệt để tình trạng thiếu phòng.

Quận Liên Chiểu đang có đề xuất xin được sử dụng cơ sở của trung tâm giới thiệu việc làm thành phố đóng tại phường Hòa Khánh Bắc để chuyển đổi công năng sử dụng. Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết: Trước đây, quận có tờ trình xin UBND thành phố về việc ưu tiên quỹ đất để xây dựng 1 trường THCS và 1 trường tiểu học tại vị trí đất Công ty Vinafor ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Tuy nhiên, trường học không nằm trong khu công nghiệp được. Hiện nay, phường Hòa Khánh Bắc không còn quỹ đất để xây dựng mới trường học. Trong khi đó, cần phải xây mới ít nhất một trường THCS trên địa bàn phường để tách Trường THCS Nguyễn Lương Bằng. Mấy năm gần đây, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu phải điều tiết HS đúng tuyến của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng sang học các trường lân cận.

“Để “gánh” HS cho Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, các trường THCS khác phải điều tiết HS theo hướng liên cư, liên địa. Như HS đúng tuyến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Lương Thế Vinh sang học THCS Nguyễn Chơn, HS THCS Ngô Thì Nhậm học Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Quỹ đất dành cho giáo dục của TP Đà Nẵng chỉ đạt gần 48%. Hệ thống trường tiểu học hầu hết thiếu sân chơi, bãi tập do diện tích đất eo hẹp. Ở bậc THCS một số trường có diện tích quá nhỏ, một số trường không còn đủ diện tích cho học sinh vui chơi, luyện tập, hoạt động ngoại khóa.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, diện tích đất dành cho giáo dục của Đà Nẵng đang bị thiếu so với yêu cầu. Bình quân của cả thành phố ở bậc mầm non đạt 11m2/học sinh, trong khi yêu cầu là 12m2/học sinh; bậc phổ thông 9,8m2/học sinh - trong khi yêu cầu là 10m2/học sinh. Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với tốc độ tăng dân số hàng năm 1,06%, trên cơ sở diện tích đất tối thiểu bình quân với các bậc học,đến năm 2030 cần phải bổ sung 1.116.736 m2.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quy-hoach-mang-luoi-truong-lop-duoi-hinh-bat-bong-D73o1k0MR.html