Quy hoạch phải 'dẫn đường' cho phát triển

Quy hoạch được ví như nhân tố đóng vai trò 'dẫn đường' cho sự phát triển. Ở nước ta, Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24-11-2017. Dù đã được Quốc hội thảo luận, tranh luận rất kỹ lưỡng để tìm ra phương án tốt nhất quy định trong luật, nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo quy định, quy hoạch cao nhất ở nước ta là quy hoạch tổng thể quốc gia, được cụ thể hóa bằng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch ngành quốc gia. Tiếp đó là hệ thống quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp trên phải tích hợp được các quy hoạch cấp dưới.

Tuy nhiên, vướng mắc nảy sinh khi đơn vị lập quy hoạch cấp dưới phải chờ có quy hoạch cấp trên để làm cơ sở lập quy hoạch. Còn đơn vị lập quy hoạch cấp trên cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có quy hoạch cấp dưới thì không thể tích hợp vào quy hoạch cấp trên. Cái vòng luẩn quẩn “con gà có trước hay quả trứng có trước” khiến công tác lập quy hoạch gần như không thể triển khai.

Vì thế, ngày 16-8-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV phải ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Nghị quyết giải thích rõ: “Các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn”.

 Quy hoạch phải “dẫn đường” cho phát triển. Ảnh minh họa: Hồng Giang - Quốc Thanh

Quy hoạch phải “dẫn đường” cho phát triển. Ảnh minh họa: Hồng Giang - Quốc Thanh

Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã mở đường cho một số địa phương, bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ lập quy hoạch, trong đó có một số quy hoạch đã được quyết định, phê duyệt. Nhưng khi triển khai thực hiện quy hoạch thì lại “tắc” vì cả địa phương, doanh nghiệp đều e ngại rằng, nếu quy hoạch đã được phê duyệt không phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì vẫn phải điều chỉnh lại. Trường hợp này, doanh nghiệp, người dân gặp rủi ro thiệt hại về nguồn lực đầu tư, còn cơ quan nhà nước thì gặp rủi ro có thể bị doanh nghiệp, người dân kiện đòi đền bù thiệt hại.

Do vậy, khi Quốc hội khóa XV chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 là việc thực hiện Luật Quy hoạch, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Người dân, doanh nghiệp, địa phương và các bộ, ngành đang rất trông chờ Quốc hội khóa XV sẽ ban hành một nghị quyết khác để tiếp tục gỡ vướng cho công tác quy hoạch.

Nghị quyết ấy cần phải tháo gỡ được tất cả những nút thắt của Luật Quy hoạch, để các nguồn lực được huy động và phát huy hiệu quả cao nhất phục vụ cho sự phát triển của từng người dân, doanh nghiệp, địa phương, bộ, ngành và cả nước; tránh trường hợp người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước vừa làm vừa lo, thậm chí không dám làm vì sợ vướng... quy hoạch!

Cũng cần lưu ý tới công tác đào tạo, đào tạo lại, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch có tâm, có tầm tương xứng với vị trí, vai trò của quy hoạch. Nếu đội ngũ này đã thiếu, lại yếu thì quy hoạch được lập ra rồi cũng rất khó đi vào cuộc sống, lại sinh ra những quy hoạch treo làm khổ nhiều người. Khi ấy, quy hoạch không những không thể thực hiện được nhiệm vụ “dẫn đường” cho phát triển, ngược lại còn khiến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đã vướng lại càng vướng thêm!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quy-hoach-phai-dan-duong-cho-phat-trien-693825