Quý II/2022, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng sẽ mạnh mẽ hơn

Theo Tổng cục Thống kê, dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong quý II, mục tiêu tăng trưởng được dự báo vẫn có khả năng đạt 6% đến 6,5% như đã đề ra.

CPI tăng 1,92%, kiềm soát tốt lạm phát

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, lây lan nhanh, cộng thêm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2022 của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê), kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên. Nhưng nhìn chung, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt.

CPI quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017 - 2020. "Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt do nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa CPI khác nhau ở từng quốc gia. Chẳng hạn, dầu khí - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa CPI của Mỹ và châu Âu - tăng giá mạnh vì nhu cầu phục hồi và xung đột Nga - Ukraine", bà Nguyễn Thu Oanh phân tích.

Bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2022 của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Lý giải nguyên nhân Việt Nam kiềm chế tốt lạm phát trong bối cảnh áp lực lạm phát đang nóng lên đối với nhiều nền kinh tế, Vụ trưởng Thống kê giá Nguyễn Thu Oanh cho rằng, có sự khác nhau về danh mục hàng hóa, dịch vụ tính CPI của mỗi quốc gia. Rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI của Mỹ và nhiều nước châu Âu bao gồm điện, ga, dịch vụ vui chơi giải trí… nên vừa qua chịu tác động mạnh từ việc tăng giá nhiên liệu thế giới.

Trong khi đó, lương thực, thực phẩm chiếm 28% tỷ trọng trong rổ hàng hóa tiêu dùng tính CPI của Việt Nam, là nhóm hàng luôn được bảo đảm sản xuất và giữ nguồn cung ứng dồi dào, một số mặt hàng giảm giá sâu. Bên cạnh đó, một số địa phương miễn, giảm học phí và đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong chính sách giảm thuế, phí theo Chương trình phục hồi kinh tế và chủ động điều hành giá xăng dầu... khiến mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát.

Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các quý tiếp theo, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu phục hồi cho thấy dấu hiệu chậm lại. Cùng với đó, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát hiện hữu. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 để chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát.

“Do vậy, các gói kích thích kinh tế này phải được triển khai một cách đồng bộ với các chính sách về tài khóa, tiền tệ và công tác quản lý, giám sát phải chặt chẽ, chính sách hỗ trợ cần sát với thực tiễn, công khai, minh bạch.

Tín dụng của nền kinh tế cũng phải đảm bảo đáp ứng được vốn cho nền kinh tế tăng trưởng; trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thực hiện tốt các chính sách sẽ giúp thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra”, bà Nguyễn Thị Hương thông tin.

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê cảnh báo, khác với quy luật hằng năm là CPI sau Tết Nguyên đán giảm, CPI tháng 3/2022 đã tăng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay; giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất cũng tăng cao nhất 10 năm qua. Áp lực lạm phát sẽ dồn vào những quý còn lại do tác động của quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam và nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% không còn dễ dàng như dự báo ban đầu.

Về kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết một số chỉ tiêu có thể khác so với kịch bản trước đây. Cụ thể, theo kịch bản thấp (xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp), tăng trưởng GDP quý II/2022 sẽ cao hơn 0,1 điểm phần trăm, tăng trưởng quý IV thấp hơn 0,1 điểm phần trăm. Theo kịch bản cao (tiêm chủng mũi 3 trong nước được hoàn thành, xung đột Nga-Ukraine sớm hạ nhiệt), tăng trưởng quý II sẽ cao hơn 0,2 điểm phần trăm so dự báo.

Như vậy, theo cả hai kịch bản, tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong quý II, mục tiêu tăng trưởng được dự báo vẫn có khả năng đạt 6% đến 6,5% như đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Tuy nhiên, việc đạt mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là một thách thức lớn.

Do đó, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, có phương án điều tiết nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân. Đồng thời, Chính phủ thúc đẩy sản xuất trong nước, tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, khẩn trương khôi phục thị trường du lịch...

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quy-ii2022-kinh-te-viet-nam-du-bao-tang-truong-se-manh-me-hon-65592.html