Quy mô kinh tế của Quảng Đông lọt top 10 thế giới

Những năm qua, kinh tế Trung Quốc tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận. Riêng Quảng Đông, tỉnh đi đầu trong cải cách mở của nước này đã lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu xét về GRDP.

Tuy nhiên, kể từ cuối quý II/2022, Thủ tướng Lý Khắc Cường, người giữ vị trí quyền lực thứ 2 trong hệ thống lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), đã nhiều lần lên tiếng về nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ giảm sút. Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trong 5 năm tới và những năm tiếp theo khi nền kinh tế đang đứng trước bước ngoặt quan trọng để thực sự đạt được mục tiêu “phát triển chất lượng cao” lần đầu đưa ra tại Đại hội đại biểu lần thứ XIX từ 5 năm trước.

GDP tăng trung bình 6,6%/năm trong gần 10 năm

Dù đang gặp không ít khó khăn, nhưng không thể phủ nhận những thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đạt được trong những năm qua. Cục Thống kê Quốc gia nước này trong một báo cáo công bố mới đây về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội kể từ sau Đại hội XVIII năm 2012 cho biết, từ 2013-2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 6,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 2,6% của thế giới và 3,7% của các nền kinh tế đang phát triển trong cùng thời kỳ; tỷ lệ đóng góp bình quân vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu vượt 30%, đứng đầu thế giới.

Baidu Apollo - một biểu tượng xe tự hành của Trung Quốc. (Ảnh: VOV Bắc Kinh)

Baidu Apollo - một biểu tượng xe tự hành của Trung Quốc. (Ảnh: VOV Bắc Kinh)

Ông Hàn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương, cho rằng trong 10 năm qua sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã có bước tiến dài. Từ mức GDP chiếm 11,4% nền kinh tế toàn cầu năm 2012, đã tăng lên hơn 18% vào năm 2021, đạt 114 nghìn tỷ nhân dân tệ. Vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được củng cố và nâng cao. GDP bình quân đầu người đạt 12.500 USD, gần với ngưỡng của các nước có thu nhập cao.

Đến nay, nước này ít nhất đã có tỉnh Quảng Đông và có thể cả tỉnh Giang Tô vượt qua Hàn Quốc về GDP, lọt vào top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong đó, Quảng Đông là tỉnh đi đầu trong cải cách mở cửa ở Trung Quốc và cũng là tỉnh liên tục giữ vị trí số 1 về GDP ở nước này trong suốt 33 năm qua.

Dữ liệu công bố hồi đầu năm nay cho thấy, Quảng Đông đã lập một cột mốc mới trong tiến trình phát triển khi GRDP đạt hơn 12,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,95 nghìn tỷ USD) trong năm 2021, trở thành nền kinh tế cấp tỉnh đầu tiên của nước này đạt mốc 12 nghìn tỷ nhân dân tệ. Với việc vượt Hàn Quốc, GRDP của Quảng Đông đã lớn hơn 90% các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Tây Ban Nha và Australia, tương đương với Canada và Nga.

Những thành tựu này đã giúp Trung Quốc giải quyết được vấn đề nghèo tuyệt đối, để có thể tuyên bố với thế giới chính thức thoát nghèo vào cuối năm 2020 và hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào đúng dịp kỷ niệm 100 thành lập CPC hồi tháng 7/2021.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đã gặt lại được những thành công nhất định trong lĩnh vực khoa học công nghệ khi lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển. Tỷ lệ đầu tư cho R&D toàn xã hội tính trên GDP đã tăng từ 1,91% lên 2,44%, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng từ thứ 34 lên thứ 12.

Việc xây dựng đường sắt cao tốc và mạng 5G có những bước phát triển nhanh, trong khi lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng có những đột phá quan trọng, thể hiện qua các chuyến bay đưa người vào vũ trụ hay các chương trình thám hiểm sao Hỏa và Mặt Trăng. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế đến giao thông và cuộc sống hàng ngày.

Các thiết bị thông minh được sử dụng để chuyển phát hàng của Jingdong, công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. (Ảnh: VOV Bắc Kinh)

Các thiết bị thông minh được sử dụng để chuyển phát hàng của Jingdong, công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. (Ảnh: VOV Bắc Kinh)

Made in China 2025 - kế hoạch chiến lược được Quốc vụ viện công bố năm 2015, nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về sản xuất và khoa học công nghệ trong những lĩnh vực mũi nhọn, dù đã không còn được nhắc nhiều những năm gần đây, nhưng vẫn đang âm thầm thực hiện. 10 năm qua, giá trị của ngành chế tạo Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, chiếm tỷ trọng trên toàn cầu tăng từ 22,5% lên gần 30%, tiếp tục duy trì vị thế quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới.

10 năm qua, môi trường sinh thái của Trung Quốc cũng đã có những thay đổi, tình trạng khói bụi ở các đô thị, đặc biệt là Bắc Kinh đã giảm bớt. Số ngày trời đẹp của thành phố này đã đạt 288 ngày trong năm 2021, chiếm gần 80%, tăng 112 ngày so với năm 2013, thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng. Lượng khí thải carbon dioxide tích lũy trên một đơn vị GDP giảm khoảng 34%, tổng công suất lắp đặt của năng lượng xanh, như phong điện và quang điện cũng như sản lượng và lượng tiêu thụ các phương tiện năng lượng mới đứng đầu thế giới.

Từ phát triển chất lượng cao tới thịnh vượng chung

“Phát triển chất lượng cao” là quan điểm mới được đưa ra tại Đại hội XIX của CPC. “Đổi mới, hài hòa, xanh, mở cửa và chia sẻ” đã trở thành quan điểm mới dẫn dắt nền kinh tế Trung Quốc trên con đường phát triển chất lượng cao, thay vì phát triển tốc độ cao với cái giá phải trả là ô nhiễm cao, tiêu thụ năng lượng cao và phát thải cao.

Nghị quyết lịch sử thứ 3 của CPC thông qua cuối tháng 11/2021 nêu rõ: “Việc thực hiện quan điểm phát triển mới là một cuộc thay đổi sâu sắc liên quan đến toàn cục phát triển”, không chỉ lấy tốc độ tăng trưởng GDP để đánh giá, mà phải đạt được phát triển chất lượng cao với đổi mới trở thành động lực số một, hài hòa trở thành đặc trưng nội sinh, xanh trở thành hình thái phổ biến, mở cửa trở thành con đường tất yếu và chia sẻ trở thành mục tiêu căn bản, thúc đẩy phát triển kinh tế thay đổi về chất lượng, hiệu quả và động lực.

Một mục tiêu khác cũng được đưa ra tại Đại hội XIX là thịnh vượng chung. Đặc biệt sau khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất xây dựng toàn diện xã hội khá giả với việc xóa bỏ đói nghèo tuyệt đối, mục tiêu này càng được nhắc đến nhiều hơn.

Với Trung Quốc, phát triển chất lượng cao là nhằm thúc đẩy thịnh vượng chung. Vào tháng 6/2021, Trung ương Đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về việc ủng hộ Chiết Giang phát triển chất lượng cao, xây dựng khu hình mẫu thịnh vượng chung”. Ngay sau đó, tỉnh Chiết Giang đã xác định 28 khu thí điểm thuộc 6 lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2025, gồm thí điểm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, thu hẹp khoảng cách thu nhập, cung cấp dịch vụ công chia sẻ chất lượng cao, tạo lập vùng phát triển cao văn minh tinh thần và xây dựng đơn vị cơ sở thịnh vượng chung hiện đại.

Giáo sư Hàn Bảo Giang, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu và Giảng dạy Kinh tế học Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. (Ảnh: VOV Bắc Kinh)

Giáo sư Hàn Bảo Giang, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu và Giảng dạy Kinh tế học Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. (Ảnh: VOV Bắc Kinh)

Giáo sư Hàn Bảo Giang, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu và Giảng dạy Kinh tế học Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, khi trả lời câu hỏi của phóng viên VOV tại Bắc Kinh trong cuộc họp báo mới đây cho biết, Đại hội XIX của CPC đã có những sắp xếp lớn rõ ràng đối với mục tiêu thịnh vượng chung, Đại hội XX sẽ có những bước đi, bố trí cụ thể hơn, sáng rõ hơn, để đến năm 2035, mức độ thịnh vượng chung của toàn bộ người dân Trung Quốc sẽ đạt được những tiến triển thực chất.

Theo ông Hàn Bảo Giang “tiến triển thực chất nghĩa là về cơ bản ngăn chặn xu hướng mở rộng của chênh lệnh GDP bình quân đầu người, đặc biệt là tăng thêm các sản phẩm công mà người dân được hưởng”. Trong đó, chênh lệnh GDP bình quân đầu người của nước này sẽ giảm về mức dưới 2 thay vì trên 2,6 như hiện nay.

Ông Hàn Bảo Giang nhấn mạnh: “Để cả nước hạ xuống mức dưới 2 cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, ngoài khoảng cách thu nhập, điều quan trọng hơn cho thấy sự thịnh vượng chung là mức độ bình đẳng trong thụ hưởng các sản phẩm công và dịch vụ công của người dân.... Do vậy, chúng tôi đặt ra mục tiêu, đến năm 2035 đạt tiến triển thực chất, đến năm 2050 cơ bản thực hiện thịnh vượng chung. Cái gọi là cơ bản thực hiện, tức là vẫn chưa đạt tới trình độ cao, mà chỉ là dịch vụ công cơ bản đạt mức tương đối quân bằng”.

Ông cũng cho biết, Trung Quốc đang cố gắng để đến khi trở thành “nước phát triển trung bình” vào giữa thế kỷ, hầu hết người dân cũng được hưởng phúc lợi tương đương.

Những khó khăn trước mắt và lâu dài

Có một thực tế khác cũng không thể không thừa nhận. Trên con đường phát triển chất lượng cao, Trung Quốc đang gặp phải không ít khó khăn. Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang đối mặt với không ít thách thức. Từ giữa năm đến nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định tình hình việc làm “phức tạp và nghiêm trọng”. Các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch Covid-19 kết hợp với khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.

Ông tiếp tục hối thúc các tỉnh giàu nhất nước “dũng cảm đi đầu” trong thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, đồng thời một lần nữa yêu cầu các bộ ngành, địa phương Trung Quốc tăng cường niềm tin, nắm bắt thời điểm, ổn định kỳ vọng của thị trường, “thúc đẩy việc thực thi toàn diện các chính sách trong quý IV với đầy đủ hiệu lực, đảm bảo hoạt động nền kinh tế trong phạm vi hợp lý” vào những ngày cuối tháng 9.

Trong 10 năm dưới thời cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn cất cánh, thứ hạng nhanh chóng tăng từ thứ 6 lên thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là thời kỳ khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Báo cáo của Đại hội XIX năm 2017 khi đề cập đến mâu thuẫn xã hội gọi đây là mâu thuẫn giữa “nhu cầu ngày càng tăng của người dân về cuộc sống tốt đẹp hơn” và “phát triển không cân bằng và chưa đầy đủ”. Đây là lần đầu tiên sau 36 năm kể từ năm 1981 Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi nhận định về “mâu thuẫn chính”, đánh dấu trọng tâm chính sách chuyển từ “tạo miếng bánh” sang vừa phát phiển vừa chú trọng sự công bằng.

10 năm dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Một nguyên nhân quan trọng là do kinh tế Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình sang giai đoạn “phát triển chất lượng cao” theo định hướng đề ra, nhằm hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung”.

Hàng loạt các ngành nghề, lĩnh vực vốn phát triển tự do, nay bị đưa vào khuôn khổ và chấn chính mạnh tay, như siết chặt quản lý thị trường bất động sản, chống độc quyền trong các doanh nghiệp công nghệ, dẹp các cơ sở dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, dọn sạch giới showbiz hay quy chuẩn hoạt động của ngành trò chơi online...

Cạnh tranh gay gắt với Mỹ, cũng là nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó. 5 năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tiếp xảy ra chiến tranh thương mại và công nghệ. So với chiến tranh thương mại vốn đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ dường như đang tác động sâu rộng hơn.

Kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei vào năm 2019, Washington liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc. Tiếp theo việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về chip nhằm hỗ trợ ngành bán dẫn trong nước hồi tháng 7, hôm 7/10 vừa qua, nước này tiếp tục công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế hoạt động mua và sản xuất chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc.

Các động thái này đã khiến một trong những mục tiêu của chương trình “Made in China 2025” là có thể đảm bảo tự cung 70% các linh kiện cơ bản cốt lõi và vật liệu cơ bản then chốt, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đã bị ảnh hưởng. 7 năm đã trôi qua, Trung Quốc vẫn chưa đạt được đột phá trong ngành bán dẫn và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Rõ ràng, để đạt được phát triển chất lượng cao và xa hơn là thịnh vượng chung, con đường mà Trung Quốc phải đi vẫn còn rất dài và gian nan.

Trong một bài viết hồi tháng 8 trên tạp chí “Cầu thị”, Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng “yêu cầu toàn đảng phải quán triệt đầy đủ, chính xác và toàn diện quan điểm phát triển mới”, đồng thời nhấn mạnh “thúc đẩy thịnh vượng chung toàn dân là một nhiệm vụ lâu dài, cũng là nhiệm vụ thực tại, không thể vội, cũng không thể chờ, cần phải xếp vào vị trí quan trọng hơn.”

Tiếp đó, trong một bài viết khác cũng đăng trên tạp chí này ngày 1/10, đúng vào dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh, Trung Quốc “chưa bao giờ tiến gần hơn” đến mục tiêu phục hưng dân tộc như hiện nay, nhưng chặng đường cuối cùng sẽ đầy khó khăn và thử thách.

“Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa không phải là điều có thể đạt được một cách dễ dàng và chỉ bằng cách khua chiêng đánh trống. Toàn đảng phải chuẩn bị nỗ lực gian nan hơn nữa, gian khổ hơn nữa” – ông viết. Ông kêu gọi CPC đoàn kết để lãnh đạo nhân dân đối mặt với những thách thức lớn một cách hiệu quả, phòng thủ trước những nguy cơ lớn, vượt qua những rào cản lớn và giải quyết những mâu thuẫn lớn.

Mặc dù ông Tập không nêu chi tiết về những thách thức và khó khăn được đề cập trong bài viết, nhưng theo giới quan sát, Trung Quốc đang phải đương đầu với hàng loạt áp lực phức tạp từ cả bên trong lẫn bên ngoài, như thế cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ, căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và nền kinh tế đang chững lại./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quy-mo-kinh-te-cua-quang-dong-lot-top-10-the-gioi-post977209.vov